Thị trường hàng không thế giới: Đấu trường của Boeing và Airbus

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù hãng chế tạo máy bay của châu Âu Airbus vừa tung ra mẫu máy bay thân rộng A321XLR tại Triển lãm hàng không Paris 2019 (diễn ra từ 17 – 23/6), nhưng giới phân tích nhận định rằng các sự cố đối với dòng máy bay 737 Max của Tập đoàn Boeing thời gian qua sẽ khiến cho các đơn hàng tại sự kiện lớn nhất của ngành hàng không năm nay sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

 Quang cảnh tại Triển lãm Hàng không Paris lần thứ 53 tại sân bay Le Bourget. Nguồn: Reuters
Nhiều bất ổn tác động 
Triển lãm hàng không Paris 2019 diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang chứng kiến bất ổn liên quan đến việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit và cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung đang leo thang đe dọa đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Ngoài ra, môi trường địa chính trị gặp khó khăn sau khi Airbus quyết định dừng sản xuất A380, hai vụ tai nạn máy bay liên quan đến dòng phi cơ Boeing 737 MAX vào tháng 10/2018 và tháng 3/2019, thị trường máy bay đường dài giảm. Đầu tháng này, các hãng hàng không trên toàn cầu đã hạ dự báo lợi nhuận của ngành trong năm 2019 trong bối cảnh có những lo ngại về chiến tranh thương mại ngày một leo thang, giá dầu gia tăng và nỗi lo an toàn bay sau hai vụ tai nạn hàng không liên tiếp liên quan tới dòng máy bay 737 MAX của nhà sản xuất máy bay Boeing.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), lợi nhuận của các hãng hàng không trong năm 2019 sẽ chỉ đạt 28 tỷ USD, thấp hơn so với mức dự báo 35,5 tỷ USD được đưa ra hồi tháng 12/2018.

Trong hai năm qua, ngành hàng không thế giới cũng đã ghi nhận rất nhiều thay đổi. Vai trò độc quyền toàn cầu của nhà sản xuất châu Âu Airbus và Tập đoàn Boeing của Mỹ đối với các máy bay trên 100 chỗ ngồi được củng cố. Airbus đã mua chương trình CSeries (được đổi tên thành A220) từ hãng Bombardier của Canada. Đến cuối năm nay, Boeing sẽ nắm quyền kiểm soát các chương trình máy bay phản lực khu vực từ hãng Embraer của Braxin. American UTC, chủ sở hữu các động cơ Pratt & Whitney và Rockwell Collins vừa tuyên bố hợp tác với tập đoàn quốc phòng Raytheon. Vụ sáp nhập trị giá 100 tỷ USD này sẽ đem đến sự ra đời của nhà sản xuất đứng thứ 2 thế giới trong ngành hàng không vũ trụ.

Triển lãm Hàng không Paris thường chứng kiến cuộc ganh đua giữa Airbus và Boeing trên thị trường máy bay thương mại có trị giá 150 tỷ USD/năm. Tại Triển lãm hàng không Paris năm 2017, các đơn đặt hàng của loại máy bay dân dụng đạt trị giá 115 tỷ USD, cao hơn mức 107 tỷ USD tổng giá trị các đơn hàng trên thị trường phi cơ thương mại ở sự kiện tổ chức năm 2015. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán triển lãm năm nay sẽ khá trầm lắng, trước sự giảm tốc của các nền kinh tế, tình hình căng thẳng thương mại quốc tế và bất ổn địa chính trị.

Cuộc chạy đua mới

Triển lãm hàng không Paris 2019 đã có ngày khai màn khác với mọi năm khi những chiếc máy bay của Airbus và nhiều bản hợp đồng được ký kết. Trong khi đó Boeing bắt đầu với lời xin lỗi cho sự mất mát của các hành khách trên hai chiếc 737 MAX bị rơi liên tiếp trong gần 2 năm trở lại đây. Ngày đầu tiên của triển lãm đã khép lại với khoảng 150 đơn hàng đã được ký kết và Airbus đang dẫn đầu "cuộc chơi". Kết thúc ngày triển lãm thứ 2, cả Boeing và Airbus đã ký được các hợp đồng bán máy bay thương mại trị giá 15 tỷ USD.
Hơn 2.450 DN đến từ 50 quốc gia đã tham gia Triển lãm hàng không Paris lần thứ 53, một trong những triển lãm hàng không lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới, được tổ chức hai năm một lần, dự kiến thu hút hơn 320.000 lượt khách tham quan năm nay. Triển lãm có sự góp mặt của tất cả các thành phần trong lĩnh vực hàng không – không gian, bao gồm các tập đoàn quốc tế lớn đến các DN vừa và nhỏ, các công ty khởi nghiệp, đơn vị quân đội và khu vực hàng không trên thế giới. Pháp dẫn đầu về số lượng tham dự với 400 công ty và 200 DN vừa và nhỏ, tiếp theo là Mỹ với 360 DN.

Cũng trong ngày khai mạc triển lãm hôm 17/6, hãng chế tạo máy bay của châu Âu Airbus đã tung ra mẫu máy bay thân rộng A321XLR, thành viên mới của “gia đình” A321neo, nhằm giảm chi phí cho các đường bay mới của các hãng hàng không với máy bay cỡ nhỏ hơn. Giới phân tích dự đoán Airbus sẽ thông báo về gần 200 đơn hàng cho A321XLR trong tuần này. Đặc biệt, ngay trong ngày đầu tiên của triển lãm, Airbus giành được các đơn hàng lớn trị giá 11 tỷ USD (giá trước chiết khấu) đặt mua máy bay A321XLR vừa mới ra mắt từ Air Lease Corp - công ty cho thuê máy bay hàng đầu của Mỹ. Hãng hàng không Virgin Atlantic Airways Ltd cũng ký hợp đồng mua 8 chiếc thân rộng A330 và có thể mua thêm 6 chiếc nữa.

Các chuyên gia hàng không đánh giá rằng đơn hàng của Air Lease năm nay làm tăng thêm uy tín cho A321XLR của Airbus. Đây là máy bay động cơ kép với tầm bay hơn 7.500km - xa nhất trong số các dòng máy bay thân hẹp trên thị trường. A321XLR cũng được cho là tiết kiệm nhiên liệu hơn so với dòng máy bay đã ngừng sản xuất 757 của Boeing, có thể bay tới các TP nhỏ không có đủ năng lực cơ sở hạ tầng để phục vụ máy bay thân rộng.

Trong khi đối thủ Airbus đang nắm nhiều ưu thế hơn tại sự kiện lớn nhất của hàng không thế giới năm nay, sự có mặt của Boeing tại cuộc triển lãm được đánh giá có phần lặng lẽ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tập đoàn sản xuất máy bay Mỹ Boeing đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng khi dòng máy bay bán chạy nhất 737 Max bị đình bay tại nhiều nước trên thế giới từ tháng 3 năm nay và không bán được chiếc nào suốt 2 tháng qua.

Nhà sản xuất máy bay có trụ sở tại Chicago này hiện có tới 4.550 đơn đặt hàng dòng máy bay MAX. Tuy nhiên, nhiều đơn chưa được hoàn thành và bị dừng giao hàng sau khi các nhà quản lý hàng không trên toàn thế giới ra lệnh ngừng bay sau 2 vụ tai nạn tại Indonesia và Ethiopia làm chết 346 người. Hiện Boeing đang xử lý việc thay đổi phần mềm điều khiển máy bay - chi tiết được cho là lỗi gây ra 2 thảm họa hàng không trên. Trong khi đó, chia sẻ với Bloomberg, CEO Dennis Muilenburg của Boeing cho biết ông kỳ vọng 737 MAX sẽ được bay trở lại vào cuối năm nay và đây sẽ vẫn là dòng máy bay chủ chốt trong chiến lược dài hạn của công ty trong nhiều năm tới. Giám đốc tài chính Greg Smith của Boeing cho biết, công ty đang tiến hành khảo sát lấy ý kiến của khách hàng và các hãng hàng không về việc đổi tên 737 MAX.

Bất chấp các hoạt động giao dịch diễn ra sôi động trong những ngày đầu của Triển lãm hàng không Paris 2019, không khí của sự kiện hàng không lớn nhất hàng năm đã diễn ra lặng lẽ hơn bình thường, làm dấy lên suy đoán rằng sự bùng nổ các hợp đồng máy bay thương mại kéo dài một thập kỷ có thể sắp kết thúc. Các chuyên gia dự báo tại Triển lãm hàng không Paris năm nay sẽ có từ 400 - 800 đơn đặt hàng và cam kết mua máy bay thương mại, so với mức 959 đơn tại Triển lãm Farnborough hồi năm ngoái.

Trong bối cảnh các hãng hàng không đang vật lộn với tình trạng dư thừa máy bay, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc và căng thẳng địa chính trị, một số nhà phân tích cảnh báo rằng hai “ông lớn” Airbus và Boeing nhiều khả năng phải đối mặt với việc số lượng hủy bỏ đơn đặt hàng mua máy bay ngày càng tăng trong thời gian tới.