Hoạt động kinh doanh du lịch - lưu trú tiếp tục ảm đạm khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Ảnh: Mai Vân |
Khó chồng khó
Anh Nguyễn Quốc Linh, trú tại ngõ 42/133 Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, năm nay, gia đình anh không đi du lịch như những năm trước vì lo ngại sự lây lan của dịch Covid-19. “Mặc dù đã đặt một tour cho cả gia đình đi du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) vào cuối tháng 7, nhưng thời điểm đó dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng nên tôi đã quyết định hủy chuyến đi” – anh Nguyễn Quốc Linh chia sẻ.
Thị trường BĐS đang rơi vào trạng thái “hôn mê”, khả năng phục hồi nhanh hay chậm tùy thuộc vào tăng trưởng của nền kinh tế và hành động chính sách từ Chính phủ. Trong đó, một số phân khúc cơ bản như BĐS công nghiệp, nhà ở giá rẻ, đất nền, chung cư cao cấp, shophouse có thể phục hồi ngay sau khi kinh tế tăng trưởng trở lại. Các phân khúc khác như văn phòng, BĐS nghỉ dưỡng có thể phục hồi chậm hơn. TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia tài chính |
Giám đốc Công ty Du lịch Minh Phúc (Ninh Bình) Trần Minh Phúc cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch, lữ hành chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là nguồn khách ngoại, nhưng niềm hy vọng vào khách nội địa cũng không mấy khả quan. “Những DN du lịch, lữ hành trông chờ vào khách nội địa sau khi giai đoạn 1 của đại dịch được kiểm soát, nhưng sự bùng phát trở lại của Covid-19 vào cuối tháng 7 vừa qua khiến cho mọi thứ xoay chuyển hoàn toàn, 90% tour, tuyến của các đơn vị liên kết với chúng tôi đến Ninh Bình bị hủy” – ông Trần Minh Phúc cho hay.
Thống kê từ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho thấy, mặc dù bước vào mùa du lịch, nhưng hàng chục nghìn tour, tuyến du lịch của các DN lữ hành trên địa bàn TP này đã bị hủy. Cụ thể, Vietravel gần 21.000 tour bị hủy trong cuối tháng 7; Saigontourist hơn 10.000 tour bị hủy; những DN như BenThanh, Lữ hành Fiditour, Hòa Bình, Đất Việt, TST cũng bị hủy từ 5.000 tour trở lên...
Việc các DN lữ hành bị hủy dịch vụ, kéo theo DN lưu trú càng trở nên khó khăn, Giám đốc quản lý Minerva Church Hotel (Hoàn Kiếm, Hà Nội) Dương Hưng cho biết, thời điểm tháng 3 và tháng 4 khách sạn này phải đóng cửa hoàn toàn theo lệnh giãn cách xã hội, từ tháng 5 đến giữa tháng 7 lượng khách phục hồi được khoảng 30%, nhưng Covid-19 bùng phát trở lại thì gần như không có khách. “Từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh lưu trú đã phải trải qua cuộc “khủng hoảng kép”. Giá thuê mặt bằng kinh doanh của chúng tôi đã được giảm xuống bằng 1/5 so với trước đây, nhưng vẫn phải bù lỗ vì không có doanh thu” – ông Dương Hưng cho hay.
BĐS du lịch sẽ còn "ngủ đông"?
Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến cho DN BĐS nói chung và phân khúc du lịch – lưu trú vốn đã khó khăn nay lại chồng thêm khó khăn. Vì vậy, các DN cần phải có chiến lược kinh doanh dài hạn, nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh thông qua việc tái cấu trúc giảm thiểu chi phí, tranh thủ thời gian đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tranh thủ vận dụng những tiến bộ của công nghệ 4.0. “Nếu trong quý III/2020, dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, thị trường sẽ bắt đầu hồi phục trong quý IV. Ngược lại, nếu đến cuối năm chưa kiểm soát được dịch bệnh thì phân khúc BĐS du lịch sẽ còn “ngủ đông” đến hết năm 2021” – ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường Trần Quốc Việt, trước những khó khăn như hiện nay, để ngành sớm phục hồi cần phải có sự chung tay của Nhà nước và DN. Nhà nước cần đầu tư nguồn lực để xây dựng các sản phẩm và quảng bá du lịch để DN có điều kiện tham gia trong giai đoạn mới; đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khảo sát sự thay đổi nhu cầu của du khách. “Các DN cũng cần phải chủ động, xây dựng chiến lược dài hạn trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Ngoài việc kiện toàn bộ máy để giảm thiểu chi phí, thì cũng nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và có biện pháp trấn an tâm lý khách hàng, để hoạt động du lịch có thể trở lại sau khi kiểm soát được dịch bệnh” – ông Trần Quốc Việt cho hay.