Nhiều rủi ro ngắn hạn
Cuộc đua tăng lãi suất đang diễn ra trên toàn cầu. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm đã có 80 lượt tăng lãi suất toàn cầu, cao hơn 7 lần so với cùng giai đoạn năm 2021. Trong đó, 2 nền kinh tế phát triển là Mỹ và EU điều chỉnh mức lãi suất với biên độ khá lớn.
Khi các ngân hàng trung ương lớn đều điều chỉnh tăng lãi suất, thì hệ thống tài chính các quốc gia thường phải đối mặt với 4 rủi ro. Đầu tiên đó là đồng USD tăng giá mạnh, tạo rủi ro tỷ giá; lãi suất tiền gửi bằng đồng USD và ngoại tệ khác tăng; chi phí vay – trả nợ bằng USD Mỹ tăng làm gia tăng rủi ro vỡ nợ; nhà đầu tư dịch chuyển nguồn vốn từ thị trường mới nổi về Mỹ và EU vì có thể an toàn hơn.
Đối với Việt Nam, lãi suất USD Mỹ tăng sẽ gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và DN, cũng như khiến Việt Nam khó huy động vốn từ thị trường quốc tế.
Với thị trường chứng khoán, việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tác động tới các thị trường mới nổi và cận biên thời gian qua, khiến nhiều chỉ số trên những thị trường này giảm mạnh. Lượng tiền rút khỏi các thị trường châu Á khá lớn, do lo ngại FED tăng lãi suất và ảnh hưởng tỷ giá.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích, rủi ro lạm phát và xu hướng tăng lãi suất toàn cầu, khiến Việt Nam đang đối mặt với áp lực điều chỉnh tỷ giá hối đoái, trong bối cảnh phải giữ được lãi suất ở mức tối thiểu không tăng và hỗ trợ cho phục hồi, phát triển kinh tế. Những diễn biến này sẽ tác động tâm lý ở các thị trường chứng khoán phát triển và mới nổi.
Đồng thời, khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường tài chính chịu tác động tiêu cực, bởi phản ứng cực đoan của nhà đầu tư trên thị trường khi FED rút lại các gói kích thích qua việc thu hẹp quy mô bảng cân đối tài sản và tăng lãi suất. Ngoài ra, đồng USD Mỹ tăng mạnh lên cũng gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ rút vốn đầu tư gián tiếp khỏi Việt Nam.
Đánh giá về thị trường chứng khoán, TS Cấn Văn Lực cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tuy các nhà đầu tư mới (F0) tăng nhanh nhưng thanh khoản lại thấp, thường ở mức dưới 10.000 tỷ đồng. Theo thống kê, chỉ có khoảng 30% nhà đầu tư mới thật sự tham gia cuộc chơi, 70% còn lại án binh bất động.
Về thách thức với thị trường chứng khoán, TS Lực cho rằng nằm ở 4 chữ: Điều chỉnh, đầu cơ, đòn bẩy, đám đông. Các chính sách gần đây của Nhà nước đã chặt chẽ hơn với thị trường chứng khoán, ở việc đầu tư của các tổ chức tín dụng là một trong những thách thức lớn của lĩnh vực này. Ngoài ra, còn có hành vi đầu tư, tiêu dùng của khách hàng thay đổi, vấn đề chuyển đổi số, hội nhập, thao túng giá, minh bạch…
Cơ hội với đầu tư dài hạn
Dù thị trường tài chính vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro ngắn hạn, song với nền tảng vĩ mô vững chắc, thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng, triển vọng thị trường vẫn khả quan khi nền kinh tế dự báo phục hồi mạnh mẽ. Theo đó, tình hình kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 rất tích cực. Các chỉ số cân đối lớn (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) cơ bản về trạng thái trước dịch Covid-19. Các dự báo gần đây cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 6 - 7% là khả thi. Việc tăng lãi suất của FED có khả năng vẫn ảnh hưởng tới thị trường, nhưng lịch sử cho thấy, trong giai đoạn đầu thì FED tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng mạnh nhất tới thị trường chứng khoán, các lần sau tác động giảm dần và dần dần không đáng kể.
Có thể kỳ vọng kịch bản tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhìn từ 2013 tới nay, định giá P/E có 3 lần về mức 12 lần thì bật lên. Theo đó, kỳ vọng 6 tháng cuối năm vẫn tin tưởng tích cực, nhưng thanh khoản sẽ không cao như 2021. Tình trạng phân hóa sẽ xảy ra chứ không phải tăng đồng loạt ở các nhóm cổ phiếu.
“Để thu lợi từ thị trường khó lường, nhà đầu tư cần xác định tham gia lâu dài hơn. Đây là thời điểm nhà đầu tư cần nhìn nhận lại bối cảnh vĩ mô để có cái nhìn dài hơi. Nói cách khác, để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cần chạy marathon chứ không đơn giản là cự li ngắn 100 – 200m nữa” - TS Cấn Văn Lực cho hay.
Giám đốc phân tích Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt Nguyễn Minh Hoàng đưa ra nhận định, xét về tăng trưởng và lợi nhuận, Việt Nam vẫn đang trên đà thắng lợi, thanh khoản cao thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ sau Thái Lan. Việt Nam cũng đang nỗ lực hết sức để cải tổ thị trường chứng khoán và tiệm cận hơn với những tiêu chuẩn quốc tế nhằm khai phá tiềm năng gia nhập chỉ số các thị trường mới nổi.
Mặt khác, lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh, còn mặt bằng lãi suất khó có khả năng tăng thêm, đều là những tín hiệu khả quan với thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh VN-Index hiện đã về mức định giá P/E hấp dẫn so với khu vực, và so với chính P/E của Việt Nam trung bình 3 - 5 năm qua.
Với mức định giá này, khối ngoại cũng đã bắt đầu mua ròng trở lại kể từ tháng 4/2022. Từ đó, dự báo VN-Index sẽ dao động trong ngưỡng 1.150 - 1.300 điểm. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực hơn, VN-Index vẫn có thể giảm thêm 1 nhịp về vùng 1.080 điểm.
“Vùng 1.080, xét về kỹ thuật là ngưỡng hỗ trợ rất mạnh trong khung tuần. Đây là một đợt giảm nữa để phản ánh, chiết khấu những thông tin vĩ mô có thể vẫn còn một chút gì đó tiêu cực vào nửa cuối năm” - ông Nguyễn Minh Hoàng nhận định.