Vietnam Airlines lỗ ròng quý 13 liên tiếp
Fed tăng lãi suất thêm 0,25% như dự báo, thị trường chứng khoán trong nước, khu vực diễn biến không mấy khởi sắc. Dù vậy, mức giảm của VN-Index không quá lớn, đóng cửa phiên gần nhất (ngày 5/5) đi lùi hơn 8 điểm.
Nhóm vốn hoá lớn VN30 chịu áp lực bán mạnh. NVL giảm 5,2%, MSN, MWG, PDR, SAB giảm trên 3%. 10 mã tiêu cực nhất lấy đi của VN-Index hơn 8 điểm. Trong đó, VCB kéo chỉ số đi lùi nhiều nhất, với gần 2,5 điểm. MSN, SAB, VIC, VNM, CTG, VPB… lần lượt theo sau.
Các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, bất động sản đều đồng loạt đi lùi. Ở nhóm ngân hàng, VCB, CTG giảm trên 2%. VPB, TCB, VIB, MBB, SSB cùng giảm giá. Những cổ phiếu vốn hoá lớn trong nhóm bất động sản như VIC, VRE, BCM, PDR, THD đồng loạt đi lùi 1-3%. Một số mã lớn ở các ngành khác như MWG, GAS, POW, VJC, HPG… cũng ngập trong sắc đỏ. Áp lựuc bán ở nhóm cổ phiếu lớn là khá mạnh.
Ở chiều ngược lại, ACB giao dịch tích cực nhất, tăng 2,1% lên 24.700 đồng. FPT và GVR nhích hơn 1%, còn BID, BVH và SSI chỉ tăng nhẹ
Điểm sáng phiên này là cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines, tăng trần lên 12.900 đồng/cổ phiếu. HVN khớp lệnh gần 1,6 triệu đơn vị. Vietnam Airlines có lãi trước thuế trong quý 1, bức tranh kinh doanh đã có sự cải thiện, dù áp lực tài chính còn rất lớn.
Cụ thể, HVN ghi nhận doanh thu thuần gần 23.5 ngàn tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ và là mức cao nhất kể từ đầu năm 2020. Lợi nhuận gộp ở mức 1,959 tỷ đồng, cao hơn cả quý 4/2019 - tức giai đoạn trước dịch. Biên lãi gộp của hãng hàng không quốc gia ở mức 8.3% trong quý 1.
Các khoản chi phí của Vietnam Airlines đều tăng mạnh, trong đó chi phí tài chính tăng 46%, chi phí bán hàng vọt 187% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 23%.
Sau khi trừ các khoản chi phí, hãng hàng không quốc gia đã có lãi trước thuế 19 tỷ đồng, nhưng vẫn lỗ ròng 104 tỷ đồng trong quý 1/2023, đánh dấu 13 quý lỗ ròng liên tiếp. Dù vậy, đây là kết quả khả quan nhất kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện.
Theo giải trình từ Vietnam Airlines, kết quả khả quan hơn đến từ việc doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 116% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu nội địa tăng 76.5%, quốc tế tăng 618.5% do thị trường phục hồi mạnh.
Hãng hàng không này cũng cho biết đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và khai thác trở lại 90% số đường bay quốc tế so với thời điểm trước dịch.
Hiện, cổ phiếu HVN đã bị đưa vào diện cảnh báo, do Vietnam Airline chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Trong báo cáo tài chính năm 2022 tự lập, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 10.400 tỷ đồng, đánh dấu ba năm lỗ liên tiếp. Đồng thời, vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2022 âm 10 ngàn tỷ đồng. Nếu báo cáo kiểm toán cho thấy Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022 và vốn chủ tiếp tục âm, cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết. Trước đó, HOSE cũng đã lưu ý về khả năng hủy niêm yết của cổ phiếu HVN.
Tháng 5, kỳ vọng dòng tiền cải thiện
Khép lại tháng 4, thị trường tương đối ảm đạm, thanh thấp. VN-Index giảm tổng cộng hơn 15,5 điểm trong tháng.
Bước sang tháng 5, Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng tâm lý nhà đầu tư, dòng tiền trên thị trường sẽ được cải thiện.
Theo chuyên gia từ VNDirect, loạt chính sách hỗ trợ được ban hành gần đây như Thông tư 02, 03 của Ngân hàng Nhà nước hay Nghị định 12 về gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Chuyên gia VNDirect nhận định, động lực tăng điểm cho thị trường tháng 5 là tín hiệu chính sách tiền tệ từ Fed và các chính sách hỗ trợ sớm được ban hành như Thông tư 16 sửa đổi hay Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng,…
“Kết quả kinh doanh quý 1/2023 kém tích cực đã được phản ánh hầu hết trong đợt điều chỉnh vừa qua. Vùng 1.000-1.030 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index và nếu thị trường điều chỉnh sẽ mở ra cơ hội hấp dẫn để mua và nắm giữ cố phiếu cho mục tiêu trung, dài hạn", chuyên gia VNDirect khuyến nghị.