Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường nhà đất huyện Thạch Thất: Không còn môi giới đồn thổi

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào thời điểm quý I/2021, huyện Thạch Thất là một trong những “điểm nóng” về sốt đất tại Hà Nội, giá đất nông nghiệp, đất thổ cư “nhảy múa” từng ngày, thông qua chiêu trò của cò đất, môi giới thời vụ. Đến thời điểm hiện tại lực lượng này đã rút khỏi địa bàn, để lại những nỗi lo âu cho cả người dân và thị trường bất động sản nơi đây.

Giá đất hạ nhiệt
Khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, thời gian gần đây thị trường nhà đất tại một số xã được quy hoạch trong khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc thuộc địa bàn huyện Thạch Thất, như: Hạ Bằng, Thạch Hòa, Bình Yên, Đồng Trúc đã không còn tình trạng khách đến hỏi mua bán tấp nập như thời điểm cuối quý I. Không khí làng quê lại trở về với vẻ bình yên vốn có.
Những mảnh đất được “thổi” giá từ 20 – 25 triệu đồng/m2, đến nay đang nằm đắp chiếu, cỏ mọc um tùm, khách không còn đến hỏi và chủ sở hữu cũng không buồn canh tác bởi vẫn còn tiếc nuối vì thời điểm giá đất “sốt cao” nhưng cố giữ, đến nay nếu muốn bán thì cũng phải giảm ít nhất 1/3 giá trị.
Những lô đất có giá lên tới 25 triệu đồng/m2 vào tháng 3, nay được rao bán với giá chỉ còn 13 - 15 triệu đồng/m2.
Anh Hiếu – một môi giới nhà đất khu vực Hòa Lạc cho biết, hiện nay giá đất ở khu vực tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội (xã Thạch Hòa) đang được chào bán với giá “sốc” bất ngờ từ 13 - 14 triệu đồng/m2, trong khi đó thời điểm tháng 2, tháng 3 được chào bán lên tới 25 triệu đồng/m2.
Tương tự, tại khu tái định cư xã Bình Yên gần khu công nghệ cao Hòa Lạc, thời điểm đầu năm cũng được chào bán với giá 20 - 25 triệu đồng/m2 tùy vào từng vị trí, nhưng đến nay cũng chỉ được chào với ở mức 13 - 15 triệu đồng/m2. Hay tại xã Đồng Trúc, thời điểm này giá đất cũng đã trở về với đúng giá trị thực ban đầu, đất thổ cư trong khu dân cư dao động từ 5 - 7 triệu đồng/m2, đất dự án tái định cư 13 - 15 triệu đồng/m2, thấp hơn từ 2 - 3 lần so với thời điểm cuối tháng 3.
“Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chính quyền vẫn duy trì các tổ kiểm tra thường trực ở những điểm nóng về đất đai để giải tán đám đông và vận động, tuyên truyền người dân. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng người dân tập trung đông để mua bán đất không còn, giá nhà đất ở địa bàn cũng không “sốt” như thời điểm đầu năm” - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc Nguyễn Đình Nghi cho hay.
Cẩn trọng hệ lụy
Theo chuyên gia về quy hoạch đô thị Thạc sỹ Trần Tuấn Anh, sở dĩ thị trường nhà đất huyện Thạch Thất bị “sốt” trong thời gian qua là do có thông tin đề xuất xây dựng thêm 2 khu đô thị gần với địa bàn này, gồm: Khu đô thị gần khu giãn dân Quan Giai diện tích khoảng 200ha, liền kề với đại lộ Thăng Long và một khu đô thị khác giáp ranh huyện Quốc Oai, cách đại lộ Thăng Long 500m, gần trục đường lớn vào trung tâm huyện Thạch Thất.
Thị trường nhà đất tại huyện Thạch Thất đã không còn cảnh ''náo nhiệt'' người mua - người bán tập nập như thời điểm đầu năm.
Bên cạnh đó, trong văn bản trả lời cử tri Hà Nội về việc sớm hoàn thiện công tác lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị vệ tinh Hoà Lạc, Bộ Xây dựng cam kết sẽ đẩy nhanh việc phối hợp với chính quyền TP Hà Nội, bộ ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch theo đúng thẩm quyền của từng cơ quan và đúng với quy định của pháp luật. Về phía TP Hà Nội, hiện nay TP đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức lập quy hoạch phân khu đô thị để cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, làm cơ sở xác định các dự án đầu tư và lập quy hoạch chi tiết.
“Nhưng trên thực tế, hệ thống hạ tầng ở những khu vực này chưa tương xứng với mức giá nhà đất được “thổi” lên trong thời gian qua. Ít nhất mất khoảng 5 năm nữa thì hạ tầng ở đây mới được đầu tư tốt hơn. Vì vậy, nếu muốn đầu tư nhà đất ở khu vực này thì chỉ nên đầu tư có tính chất dài hạn, không nên theo hiệu ứng đám đông để tránh hệ lụy “ôm” đất giá cao rồi bị “chôn vốn” ở thời điểm hiện tại” - chuyên gia Trần Tuấn Anh nhìn nhận.
Ở khía cạnh khác, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, việc thị trường đất nền ở các huyện vùng ven Hà Nội bị “thổi” giá trong thời gian qua sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực cho thị trường BĐS. Giá đất quá cao khiến cho doanh nghiệp không còn mặn mà triển khai dự án do sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí, không đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp. Thiếu doanh nghiệp đầu tư sẽ dẫn đến thiếu hạ tầng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của chính địa phương đó.
Vì vậy, giải pháp đưa ra là chính quyền các cấp cần siết chặt hơn trong công tác quản lý giao dịch BĐS, công khai minh bạch thông tin quy hoạch để người dân nắm được và không bị “sập bẫy” môi giới BĐS trá hình.

Đã qua thời kỳ có thể đầu cơ vào đất nền để lướt sóng kiếm lời, thị trường đang bước vào giai đoạn bình ổn, giá cả sẽ không còn sự biến động mạnh. Với những gì đã xảy ra cho thị trường BĐS thời gian qua và sự ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, không lướt sóng là cách phòng vệ duy nhất để tránh rủi ra cho nhà đầu tư.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính