Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường nội địa là bệ đỡ cho doanh nghiệp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quay lại mở rộng thị trường trong nước đang là một hướng đi của các DN sản xuất, xuất khẩu.

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - TS Võ Trí Thành đánh giá, thị trường nội địa vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để đóng góp cho tăng trưởng GDP cuối năm và thời gian tới.

TS Võ Trí Thành
TS Võ Trí Thành

Trụ cột quan trọng trong cỗ xe “tam mã”

Để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục ưu tiên vào 3 động lực (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước. Ông đánh giá sao về vai trò của thị trường nội địa vào tăng trưởng GDP?

- Trong giai đoạn 2019 - 2020, bán lẻ hiện đại đóng góp 24% thị phần bán lẻ. Mức tăng trưởng này đã giảm chỉ còn 16 - 18% trong giai đoạn dịch Covid - 19. Từ đầu quý III/2023, mức tăng trưởng đã quay lại 24%, bằng trước thời điểm dịch Covid - 19. Những chỉ số thị trường cho thấy, tiêu dùng nội địa đã được vực dậy.

Với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng. Mặt khác, đầu vào của thị trường bán lẻ để phục vụ tiêu dùng trong nước ngày nay rất dồi dào phong phú lại cộng thêm với điều kiện thu mua với cự ly gần, giảm được chi phí vận chuyển, rất phù hợp với điều kiện khai thác để tiêu thụ. Đây là một “mỏ vàng tiêu thụ” mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng chuỗi phân phối của mình để khai thác triệt để.

Trong lúc các trụ cột tăng trưởng như xuất khẩu gặp khó; đầu tư cần thời gian để lan tỏa, thì thúc đẩy trụ cột tiêu dùng chính là cách hay nhất, ít tốn kém nhất mà lại đạt hiệu quả cao nhất. Theo Bộ Công Thương, đến hết quý III, có hơn 60 đoàn của các tổ chức, cơ quan ngoại giao… đã tiếp xúc, gặp gỡ để xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm nước ngoài vào phân phối ở thị trường Việt Nam. Trong khi đó, một số DN Việt Nam gặp khó khăn trong xuất khẩu cũng quay lại thị trường trong nước.

Mặc dù duy trì mức tăng khá cao trong một thời gian dài, song tiêu dùng trong nước có xu hướng đang giảm dần trong những tháng gần đây. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông? Những khó khăn nào mà thị trường nội địa đang gặp phải?

- Dù được xem là vị cứu tinh của động lực tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần phải xử lý. Trong tiêu dùng, bán lẻ là chủ yếu nhưng lại đang có xu hướng suy giảm. Những tháng gần đây, tốc độ tăng trưởng của thị trường nội địa dù vẫn đạt 2 con số song đang dần suy giảm, gần đây chỉ còn tăng 11 - 12%.

Thứ nhất, khó khăn và rào cản vẫn hiện hữu khi quay lại thị trường nội địa, DN Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ hay cả với hàng nhập khẩu đang có phần lấn át hàng nội.

Thứ hai, thu nhập của người dân giảm, đặc biệt là người lao động khu vực các nhà máy sản xuất hàng hóa xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đang gặp khó khăn do đơn hàng suy giảm vì thế người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu để cắt giảm những chi phí không thực sự cần thiết.

Hoạt động bán lẻ hàng hóa vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do nền kinh tế toàn cầu có nhiều diễn biến khó lường, lạm phát tại nhiều quốc gia vẫn ở mức cao, giá hàng hóa tăng. Tín dụng tăng trưởng thấp, lãi suất tiêu dùng còn cao.

Ngoài ra, các vấn đề như chi phí mặt bằng, logistics cao dẫn đến những khó khăn thách thức cho nhiều DN bán lẻ, du lịch. Ngoài ra, hoạt động quản lý thị trường cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là quản lý thị trường qua các kênh mới như thương mại điện tử, mạng xã hội…

Trong mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu du lịch lữ hành cũng tăng trưởng khá. Ông đánh giá sao về tiềm năng khai thác thị trường du lịch nội địa?

- 10 tháng năm 2023, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 30,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước do các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch.

Có thể thấy rằng, tuy lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng vào quý III/2023, giúp ngành du lịch Việt Nam sớm hoàn thành chỉ tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và đặt mục tiêu mới là sẽ đón 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm. Tuy nhiên, nếu so với con số 18 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam vào năm 2019, thì lượng khách (cả thực tế và kỳ vọng) vẫn sụt giảm đáng kể, chỉ bằng 72,2% so với năm 2019.

Điều này cho thấy ngành du lịch vẫn còn nhiều việc phải làm để kích cầu du lịch và thu hút du khách nước ngoài trở lại Việt Nam, nhất là khi phải so sánh với hoạt động du lịch sau đại dịch ở các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia hay Nhật Bản.

Ngành du lịch đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Trong đó đặc biệt là tạo thuận lợi cho đi lại, thị thực, xuất nhập cảnh vào Việt Nam, cũng như các giải pháp về xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, kết nối hàng không, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, chuyển đổi số, nhân lực du lịch...

Dù vậy, những "điểm nghẽn" du lịch Việt Nam vẫn tồn tại bấy lâu nay và đã được chỉ rõ nhiều lần như: chất lượng và sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn; việc hoạch định chiến lược về thị trường còn hạn chế; hạ tầng, dịch vụ công cộng, thông tin chỉ dẫn du lịch chưa đáp ứng nhu cầu; nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế…

Hỗ trợ doanh nghiệp chinh phục thị trường nội địa

Tiềm năng, dư địa thị trường trong nước như tiêu dùng nội địa, khai thác du lịch còn lớn. Để thị trường trong nước giữ vững vai trò “chủ công” trong thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô cần những giải pháp gì, thưa ông?

- Việc đầu tiên là Chính phủ cần sát sao việc đầu tư công để hỗ trợ cho đầu ra. Đây chính là yếu tố kéo theo mọi mắt xích của nền kinh tế. Hiện nay các chính sách còn có độ trễ cho nên chúng ta cần thực hiện nhanh và quyết liệt. Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vẫn là công cụ quan trọng, là bệ đỡ nền kinh tế, kéo theo sự phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, kéo theo việc làm, từ đó kích thích tiêu dùng.

Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sức mua của nền kinh tế thông qua chính sách tài khoá như: giảm thuế, tăng lương cơ sở, cùng với việc khuyến khích tăng chi tiêu của khu vực tư thì các khoản chi tiêu, đầu tư của Chính phủ.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Triển khai kịp thời hiệu quả các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước thông qua Chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Thúc đẩy liên kết vùng.

Bên cạnh đó, DN cần Nhà nước tạo thêm cơ chế, chính sách. Theo đó, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại để DN có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng. Ưu tiên hỗ trợ thủ tục, mặt bằng, hỗ trợ vào các chương trình bình ổn giá, cũng như giúp vay vốn với lãi suất ưu đãi khi tham gia các chương trình... để đảm bảo sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy sang năm 2024, họ sẽ bơm tiền cho tiêu dùng nội địa. Đây cũng là gợi ý cho Việt Nam trong thời gian tới.

 

 

Trong những tháng cao điểm mua sắm mùa cuối năm và dịp Tết Dương lịch, tết Nguyên đán 2024, DN sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng, thực hiện chính sách giá cạnh tranh, chương trình ưu đãi thành viên… để cải thiện sức mua. Bên cạnh đó, dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa sẽ tăng trở lại khi kinh tế trong nước đang dần hồi phục, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh.

TS Võ Trí Thành

 

Song song với đó, cần tăng cường phòng chống buôn lậu hàng nhái hàng giả để bảo vệ các DN sản xuất. Thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Hỗ trợ các DN trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, thương hiệu cho hàng hóa trong nước; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu. Giảm các chi phí phát sinh cho DN trong các thủ tục hành chính.

Với du lịch, đa dạng hoá các sản phẩm, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch. Có chính sách đặc thù cho du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; chính sách đào tạo nguồn nhân lực…

Đối với DN Việt, ông có lời khuyên gì để họ chiếm lĩnh tốt hơn thị trường trong nước thời gian tới?

- Người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu, kết hợp mua sắm trực tiếp và trực tuyến, cũng như ưu tiên sử dụng sản phẩm từ các nhà cung cấp có uy tín. Các DN cần theo dõi chặt chẽ các xu hướng này và kịp thời thích ứng để có thể duy trì tính cạnh tranh trong một thị trường không ngừng thay đổi.

DN phải xây dựng lại chiến lược, kế hoạch kinh doanh, củng cố lại sản phẩm của mình và chất lượng sản phẩm tốt chính là "giấy thông hành" để hàng hóa Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường. Chất lượng hàng hóa cũng đã được cải thiện rồi thì cũng cải thiện hơn nữa để làm sao là phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay.

Hoạt động xúc tiến thương mại của DN là vô cùng quan trọng và theo tôi, trong thời gian tới, hoạt động này cần tập trung nhiều hơn cho phân khúc thị trường nông thôn. Đây là khu vực có quy mô dân số lớn, thu nhập của người dân đã dần được thu hẹp so với khu vực thành thị nên dư địa còn rất nhiều để có thể khai thác.

Cho nên cần nhiều giải pháp đẩy mạnh kết nối cung cầu, đưa hàng về nông thôn. Đòi hỏi sự năng động của các DN trong việc tìm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc tìm ra ngách của thị trường nội địa, có dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt Nam. Đặc biệt, thương mại điện tử đang có tốc độ phát triển mạnh nên DN cần có giải pháp cụ thể để định hướng phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!