70 năm giải phóng Thủ đô

Thị trường ô tô điện: Thời cơ cho doanh nghiệp Việt

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam được cho là đang ở cùng một điểm xuất phát với các quốc gia khác trong lĩnh vực phát triển xe điện. Với việc xuất hiện doanh nghiệp trong nước đã tự sản xuất được ô tô điện, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có cơ hội vươn lên dẫn đầu Đông Nam Á ở lĩnh vực này.

Đầy tiềm năng

Theo nhận định tại báo cáo mới đây về chỉ số thị trường xe ô tô điện (EV) trong nước do Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) công bố, nước ta đang rất có tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này. Nếu có chính sách hỗ trợ kịp thời, có khả năng Việt Nam sẽ vươn lên nhóm đầu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển EV.

Cụ thể, VPI cho rằng, thị trường ô tô của Việt Nam đang còn rất nhiều dư địa khi tỷ lệ sở hữu phương tiện này chỉ ở mức 23 ô tô/1.000 người, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Không chỉ ở trong nước, thị trường EV quốc tế cũng đầy cơ hội khi nhiều quốc gia đã có lộ trình và định hướng phát triển như Trung Quốc đang đi đầu tại khu vực châu Á với 22 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, bên cạnh đó là 47 cái tên đình đám khác trên thế giới cũng đã gia nhập như Tesla, BMW, Chevrolet, Ford …

 VF e34, ô tô điện đầu tiên được một doanh nghiệp Việt sản xuất
Về mặt chính sách, EV đã có một số hỗ trợ nhằm giảm chi phí sở hữu. Có thể kể đến như miễn phí trước bạ với xe bus sử dụng năng lượng sạch, khuyến khích phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường. Thuế tiêu thụ đặc biệt của xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện chỉ bằng 70% xe động cơ đốt trong cùng dung tích. Hay EV được áp mức thuế từ 5 - 15% tùy số chỗ của xe …

Trên thực tế, nhằm đón bắt cơ hội lớn mà EV mang lại, trong vài năm trở lại đây một số doanh nghiệp ô tô trong nước đã bắt tay vào nghiên cứu công nghệ nhằm sản xuất hoặc lên kế hoạch đưa các mẫu xe từ quốc tế về Việt Nam.

Tiêu biểu là mới đây, VinFast đã trình làng mẫu EV đầu tiên do chính Việt Nam sản xuất với tên gọi VF e34. Được biết tốc độ “ra đời” của VF e34 cũng ở mức kỷ lục, chỉ mất 10 tháng kể từ thời điểm VinFast công bố thông tin về việc phát triển chiếc EV của mình.

Không chỉ có những tính năng thông minh tương tự những dòng EV trên thế giới như trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt, tự động gọi cứu hộ - cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp, cảnh bảo xêm nhập trái phép, tự chuẩn đoán lỗi trên xe … VF e34 còn được trang bị nhiều tính năng an toàn tiên tiến so với phân khúc như cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, cảnh báo lệch làn đường, cảnh báo luồng giao thông đến khi mở cửa...

Với mức giá đầy cạnh tranh là 690 triệu đồng (đã bao gồm VAT), VF e34 được nhận định sẽ là cái tên nổi bật trong thị trường EV của Việt Nam trong thời gian tới. Được biết, tới thời điểm hiện tại, chiếc xe điện của VinFast đã nhận được tới hơn 25.000 đơn đặt hàng.

Trước đó, một hãng ô tô hàng đầu Việt Nam khác là Thaco cũng đã công bố kế hoạch đưa về mẫu EV của Kia với tên gọi EV6, dự kiến sẽ được bán ra tại thị trường trong nước vào quý 2/2022. Được biết đây cũng là sản phẩm thuần điện đầu tiên của Kia khi hãng này đang dịch chuyển trọng tâm của mình sang các dòng xe điện hóa. Ngoài EV6, Thaco cũng có kế hoạch đưa về nước 2 sản phẩm sử dụng điện khác của Kia là Sorento Hybrid và Sportage. 

Như vậy có thể thấy, cả về sản xuất lẫn nhập khẩu, Việt Nam đều đã có những hãng xe trong nước bắt đầu thực hiện những bước đi nhằm chiếm lĩnh thị trường còn rất khiêm tốn này. Đây là sự khác biệt cực kỳ quan trọng nếu biết vài chục năm trước, doanh nghiệp Việt đã hoàn toàn bị động khi làn sóng ô tô đổ về trong nước.

Đánh giá về cơ hội mà EV mang lại cho Việt Nam, Giám đốc phát triển trạm sạc pin VinFast Phan Thị Thuỳ Dương cho rằng là rất lớn. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có xuất phát điểm trong lĩnh vực EV tương tự với nhiều quốc gia trong khu vực. Thậm chí có thể nói, Việt Nam còn hơn hẳn một số quốc gia khác khi đã có doanh nghiệp nội sản xuất được EV. Đây chính là cơ hội để Việt Nam vươn lên dẫn trước trong ngành công nghiệp sản xuất EV trong khu vực.

Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển nguồn điện sạch của Việt Nam như điện gió, điện mặt trời là rất lớn. Đây chính là yếu tố quan trọng để điện hóa ô tô. Do đó, Việt Nam cần kịp thời nắm bắt thời cơ, nếu không để 1-2 năm nữa khi các quốc gia trong khu vực đã hoàn thiện về nền tảng pháp lý cùng hạ tầng cho xe điện, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội có một không hai này, bà Dương chia sẻ.

Chờ “cú huých” chính sách

Theo nhiều chuyên gia nhận định, hiện tại Việt Nam đang còn rất thiếu chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ việc phát triển EV chứ chưa nói đến việc hướng lĩnh vực này tới các mục tiêu cao hơn như dẫn đầu trong khu vực. Chủ yếu những ưu đãi mà xe điện nhận được chỉ nằm ở thuế tiêu thụ đặc biệt và điểm khác biệt này không thực sự tạo được đòn bẩy để EV có thể cạnh tranh với các dòng xe chạy xăng, dầu.

Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam Đào Công Quyết cho rằng, việc dần chuyển đổi từ xe ô tô động cơ đốt trong sang xe điện là xu thế đang được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện và Việt Nam cũng không nằm ngoài quá trình này. Do đó, Việt Nam cần có những chính sách cụ thể để phù hợp với sự thay đổi mang tính bước ngoặt.

Việt Nam có thể tham khảo các kịch bản chuyển đổi trên từ những quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Indonesia khi bắt đầu quá trình xe điện hóa từ 2025, tiến tới năm 2035-2050 sẽ đạt tỷ lệ 100% với tất cả xe ô tô được bán ra thị trường đều là xe điện hóa.

Sau khi xác định được lộ trình chuyển đổi, các chính sách đi kèm cũng cần được mau chóng ban hành nhằm đáp ứng tốc độ thay đổi của quá trình này. Có thể kể đến như ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ, hỗ trợ thuế môi trường, hạ phí đỗ xe … để phát triển thị trường cũng như thu hút khách hàng. Bên cạnh đó là quy định tiêu chuẩn chung cho các trạm sạc cũng như có cơ chế hỗ trợ tài chính, vay vốn linh hoạt hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh trạm sạc nhanh và sản xuất xe điện hóa, ông Quyết nói.

Có cùng quan điểm, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, chính sách sẽ là đòn bẩy quyết định tới ngành công nghiệp xe điện của Việt Nam.

Để EV có thể tiếp cận nhanh chóng với người dùng hơn, Chính phủ cần có những chính sách trợ cấp cho việc mua bán xe điện theo cả diện công lẫn tư. Việc này không chỉ giải quyết được bài toán các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường mà còn có thể kích cầu được sức mua bán trên thị trường.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu - phát triển cần phải được đầu tư mạnh để cho ngành xe điện có thể phát triển lâu dài và bền vững. Là một ngành mới, vì vậy EV vẫn còn nhiều bất cập, điểm nghẽn cần chính sách “cởi chói” như mạng lưới sạc, phát triển pin … Việt Nam cần nhìn vào thực tế khi ngày càng có nhiều quốc gia đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển xe điện, hướng tới đưa đây thành phương thức giao thông của tương lai, ông Phúc đưa ra khuyến nghị.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn cho rằng, hiện đang có một số chính sách thuế dành cho EV như ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, thuế sản xuất - lắp ráp, thuế thu nhập doanh nghiệp … Trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều chính sách nữa khi Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 cũng đã xác định các dòng xe thân thiện với môi trường sẽ được khuyến khích sản xuất.

Tuy nhiên các chính sách này sẽ được xây dựng dựa trên mức độ phát thải, gây ô nghiễm của từng loại xe, ví dụ như xe chạy hoàn toàn bằng pin sẽ có nhiều ưu đãi so với dòng chạy cả điện cả xăng. Đồng thời việc hỗ trợ xe điện cũng phải phù hợp với tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng, nhất là ở các TP lớn. Cơ chế cho xe điện là sẽ có nhưng cần phải đảm bảo không có phát sinh hệ lụy với môi trường trong tương lai, ông Tuấn khẳng định.