70 năm giải phóng Thủ đô

Thị trường ô tô những tháng cuối năm 2020: Hy vọng “ấm” trở lại

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường ô tô Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cùng với quy luật mua sắm thường gia tăng vào dịp cuối năm, thị trường ô tô Việt Nam vẫn đang níu giữ hy vọng được “hâm nóng” trở lại.

Cửa hàng mua bán trao đổi ô tô trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Phạm Hùng

Biểu đồ hình sin đầy ảm đạm

Đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện và bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam cũng là lúc thị trường ô tô bắt đầu chịu những tác động thấy rõ. Và đúng như dự báo của giới chuyên gia, dù Covid-19 ảnh hưởng mạnh nhất đến hai lĩnh vực là giao thông vận tải và du lịch nhưng với những quy luật tác động dây chuyền của các lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế, thị trường ô tô trong nước không tránh khỏi sự tàn phá dữ dội của dịch bệnh.

Trong suốt 6 tháng đầu năm, thị trường ô tô trải qua những biến động mạnh. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng ở thị trường xe mới giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Ở thị trường ô tô cũ, số lượt liên hệ mua xe trong 6 tháng đầu năm giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019. Sự biến động này hoàn toàn trái ngược với những toán tính của các nhà sản xuất ô tô hồi năm ngoái.

Còn nhớ, với đà phát triển nhanh của thị trường ô tô vào cuối năm 2019, nhiều hãng ô tô đã chọn 2020 làm năm thực hiện thay đổi mẫu cũ, ra mẫu mới. Đơn cử, ô tô Trường Hải hoàn tất mở rộng, nâng công suất nhà máy KIA từ 20.000 xe lên 50.000 xe/ năm. TC Motor cũng đầu tư một nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô mới, công suất 100.000 xe/năm. Ford Việt Nam có kế hoạch mở rộng nhà máy tại Hải Dương, nâng công suất lên gấp đôi hiện nay và mỗi năm sẽ cho ra một sản phẩm mới lắp ráp tại đây từ đầu năm 2020. VinFast cũng thực hiện tăng công suất để cho ra thị trường một số sản phẩm mới vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 đã khiến tất cả kế hoạch lớn của nhiều hãng ô tô bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sau khi đợt bùng phát lần đầu của Covid-19 qua đi, nhờ thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch, thị trường ô tô Việt Nam đang có nhanh chóng phục hồi. Bước sang tháng 5, thị trường ô tô mới vô cùng khởi sắc với mức tăng 62% so với tháng 4/2020. Thị trường xe cũ nhanh chóng quay lại với nhịp mua bán sôi động trong tháng 5 và tháng 6 với nguồn cung xe cũ tăng 55% và số lượt truy cập tìm mua ô tô cũng liên tục tăng, cao hơn 18% so với thời gian giãn cách xã hội.

Theo báo cáo bán hàng từ VAMA, trong tháng 6/2020, tổng doanh số bán hàng của các thành viên thuộc hiệp hội đã tăng trưởng 26% so với tháng 5/2020. Đây là bước tăng trưởng mạnh mẽ nhất của thị trường ô tô Việt Nam sau những tháng liên tiếp sụt giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19. Mặc dù vậy, với việc doanh số bán hàng sụt giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm nên tổng kết lại trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh số bán hàng của các thành viên VAMA nhìn chung vẫn sụt giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019... Các chuyên gia nhận định, thị trường ô tô Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay giống như một biểu đồ hình sin ảm đạm khi phần lớn thời gian biến động theo chiều đi xuống.

Chờ sức bật từ chính sách

Theo báo cáo tổng hợp của VAMA trong tháng 7/2020, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 24.065 xe, tăng 0,3% so với tháng 6/2020 và giảm 13% so với tháng 7/2019. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp doanh số bán ô tô tại Việt Nam tăng, tuy nhiên, tổng lượng xe bán ra vẫn chưa bằng cùng kỳ năm ngoái.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, bà Vương Kiều Trang - nhân viên bán hàng tại Showroom Huyndai Phạm Hùng (16A Phạm Hùng) cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã khiến doanh số bán hàng của showroom này sụt giảm thê thảm và hiện vẫn chưa thể phục hồi được. “Hiện tại công tác bán hàng tại cửa hàng vẫn chỉ thực hiện một cách bập bõm, doanh số không đáng kể. Trong tháng vừa qua (tháng 8/2020 - PV), doanh số bán hàng tại showroom giảm tới 60 - 70% so với cùng kỳ năm 2019” - bà Trang nói.

Dự báo về thị trường ô tô trong thời gian còn lại của năm 2020, bà Vương Kiều Trang cho biết, mặc dù vừa trải qua thời gian vô cùng ảm đạm của thị trường nhưng vẫn còn nhiều yếu tố tích cực để hy vọng thị trường ô tô sẽ ấm lên trong thời gian tới. “Hiện nay, Covid-19 đã được kiểm soát, đời sống xã hội cũng dần ổn định trở lại. Thời điểm tháng mưa ngâu cũng đã qua, chúng tôi hy vọng thời gian tới sức mua ô tô sẽ tăng dần” - bà Trang nhận định. Một trong những lý do quan trọng nhất sẽ “hâm nóng” thị trường ô tô trong thời gian tới được đại diện nhiều Showroom ô tô nhắc tới là Nghị định 70/2020/NĐ-CP về giảm 50% mức lệ phí trước bạ so với mức thu theo quy định cũ.

Trong đó, chi tiết quạn trọng nhất là thời điểm áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ chỉ được áp dụng trong năm 2020. Đây được đánh giá là lý do quan trọng thúc đẩy nhiều người dân lựa chọn việc mua ô tô vào dịp cuối năm. Đại diện các Showroom ô tô cùng chung nhận định: Sức mua thường tăng vào dịp cuối năm, cộng với thời hiệu giảm 50% phí trước bạ chỉ áp dụng trong năm nay, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người mua sắm ô tô vào thời gian tới.

Đồng quan điểm, chuyên gia ô tô Hoàng Mạnh Cường (thành viên diễn đàn Otofun) cho hay, sức mua ô tô sẽ bắt đầu tăng mạnh sau khi tháng 7 âm qua đi. “Quan niệm dân gian thường kiêng kỵ mua sắm, làm những việc lớn vào tháng 7 âm, điều này cũng ảnh hưởng tới cả thị trường ô tô. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn là tác nhân quan trọng nhất. Giờ Covid-19 đã dần được kiểm soát, tôi tin thời gian tới thị trường ô tô sẽ được hâm nóng” - vị này nói, và nhìn nhận, từ nay đến cuối năm, các dòng xe lắp ráp CKD vẫn sẽ chiếm ưu thế trên thị trường vì đây là loại xe được giảm phí trước bạ. Ngoài ra, thị trường ô tô cũ cũng được dự báo sẽ sôi động trở lại khi đời sống xã hội dần đi vào ổn định sau dịch bệnh.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, hiện nay, Chính phủ vẫn đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân, DN và kích cầu kinh tế vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Những chính sách kích cầu này đã và đang mang lại nhiều yếu tố tích cực và người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi cuối cùng nhờ chính sách này. Điều này sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường ô tô.

Covid-19 đã khiến toàn bộ nền kinh tế bị chao đảo chứ không riêng gì thị trường ô tô. Nhiều thành phần kinh tế có tác động qua lại với nhau nên chỉ cần một lĩnh vực nào đó của nền kinh tế được hâm nóng, các thành phần còn lại cũng sẽ hưởng lợi theo. Hy vọng sắp tới khi giao thông và du lịch phục hồi, thị trường ô tô cũng sẽ phục hồi theo.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long