Nhà đầu tư rục rịch quay lại thị trường, VN-Index tăng hơn 10 điểm
Kết phiên hôm nay (4/10), VN- Index tăng 10,57 điểm (0,95%) lên 1.128,67 điểm. Toàn sàn HoSE có 339 mã tăng (5 mã tăng trần), 146 mã giảm (4 mã giảm sàn) và 58 mã đi ngang.
Sau chuỗi phiên bị bán tháo, nhóm cổ phiếu chứng khoán nhận được lực cầu bắt đáy và bật tăng mạnh mẽ trong phiên. Có thời điểm, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán ghi nhận mức tăng từ 5-7%.
Kết phiên, FTS và BSI tăng trần, SHS, VIX và MBS đều tăng 5-6%. Chỉ sắc xanh của nhóm chứng khoán lan tỏa ra các nhóm ngành còn lại như bất động sản, ngân hàng, thép, bán lẻ, hóa chất, bảo hiểm, viễn thông, vật liệu xây dựng, ô tô, hàng gia dụng…
Đáng chú ý, danh sách mã tăng trần có 2 mã thuộc họ FPT là FRT và FTS. Trong 5 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu FRT ghi nhận tăng 12%, sau thông tin nhóm Dragon Capital mua thêm 490.000 cổ phiếu. Nếu so với thời điểm bắt đầu nhịp tăng giá hồi giữa tháng 5, cổ phiếu FPT Retail đã tăng 70% giá trị.
Nhóm cổ phiếu họ nhà Vin hôm nay tích cực tăng, VIC (+3,6%) và VHM (+1,25%), kéo về cho VN-Index hơn 2 điểm. Sau đó là BID kéo về cho VN-Index 1,22 điểm, kế đến là HPG, SSI... Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các mã làm hãm đà tăng chỉ số là CTG, GAS, TCB, SSB, MSN, VJC.
Thanh khoản vẫn ở mức thấp, đạt gần 15.000 tỷ đồng. Khối ngoại và tự doanh sau chuỗi 3 phiên bán tháo đã chuyển hướng mua ròng trên sàn HoSE. Theo thống kê, khối ngoại mua ròng 189 tỷ đồng, tập trung vào các mã chứng khoán như: SSI, VND, VIX, FTS, HCM.
3 công ty bảo hiểm cùng đổ tiền vào cổ phiếu PVD
Mới đây, 3 công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài và quỹ đầu tư VinaCapital đồng loạt báo cáo không mua hết cổ phiếu của Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) đăng ký trước đó do diễn biến thị trường không thuận lợi.
Theo đó, trong thời gian 31/8 - 29/9, ba công ty bảo hiểm nhân thọ ngoại gồm Generali Việt Nam (mua 127.800 cổ phiếu), Hanwha Life Việt Nam (mua 88.200 cổ phiếu) và Chubb Việt Nam (mua 134.300 cổ phiếu) đã mua vào tổng cộng 350.300 cổ phiếu PVD, chiếm 0,06% vốn tại đây.
Cùng đợt, 2 thành viên của quỹ VinaCapital là Hưng Thịnh và Cân Bằng Tuệ Sáng đã mua lần lượt 340.000 cổ phiếu và 190.000 cổ phiếu PVD. Đồng thời, quỹ VinaCapital cũng mua 18.200 cổ phiếu PVD.
Trong báo cáo kết quả giao dịch mới đây, 3 công ty bảo hiểm nhân thọ ngoại và quỹ đầu tư VinaCapital cùng cho biết lý do không mua hết số lượng cổ phiếu đăng ký do diễn biến thị trường không thuận lợi.
Các tổ chức trên đều liên quan đến ông Hoàng Xuân Quốc- Thành viên HĐQT độc lập của PVDrilling. Ông Quốc đồng thời là Giám đốc tại 6 đơn vị trên. Trước đó, tất cả tổ chức trên chưa sở hữu bất cứ cổ phiếu nào của PVD. Sau khi hoàn tất giao dịch, nhóm tổ chức này nắm giữ tổng cộng 898.500 cổ phiếu PVD, tương ứng tỷ lệ 0,16%.
PV Drilling ghi nhận lãi ròng 155 tỷ đồng trong quý 2, khả quan hơn so với khoản lỗ 74 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 161 tỷ đồng, tăng mạnh so với quý 2/2022. Đây là khoản lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp này trong vòng 18 quý kể từ đầu năm 2019. Lũy kế nửa đầu năm 2023, công ty đã ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.637 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, song lãi ròng đạt 227 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 116 tỷ đồng), vượt 107% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu tăng 37% so với đầu năm 2023, lên mức 25.450 đồng/cp vào cuối phiên hôm nay 4/10.