Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường rau xanh “giảm nhiệt”, nguồn cung dồi dào

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày gần đây, mặt hàng rau xanh sau thời gian tăng giá hiện đã “hạ nhiệt”. Đồng thời các nhà cung cấp, hợp tác xã sản xuất cũng cam kết bảo đảm không thiếu hụt nguồn cung rau xanh.

Nhiều loại rau xanh giảm giá
Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tại hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như Nam Đồng, Kim Liên (quận Đống Đa), Thành Công (quận Ba Đình) cho thấy những ngày này hầu hết các mặt hàng rau xanh đều đã giảm giá bán. Chị Hằng tiểu thương kinh doanh cho biết, rau xanh đã giảm giá từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, hiện bắp cải 20.000 - 22.000 đồng/kg, rau cải, mùng tơi 10.000 - 12.000 đồng/mớ, cà chua khoảng 25.000 đồng/kg, dưa chuột 15.000 - 18.000 đồng/kg, đỗ đũa 14.000-18.000 đồng/kg, rau muống 10.000 đồng - 15.000 đồng/mớ…
Thực tế tại hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C, Vinmart, Co.op Mart… cho thấy luôn đầy ắp mặt rau xanh, lượng người mua sắm không nhiều. Chị Lê Thị Mai ở phường Láng Thượng đang mua rau tại siêu thị Big C chia sẻ, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, rau, củ trong siêu thị luôn dồi dào, giá bán một số loại rau như bắp cải, cải thảo còn rẻ hơn chợ truyền thống. Ghi nhận tại siêu thị Big C Thăng Long cho thấy hiện bí xanh 14.300 đồng/kg, cải thảo 14.000 đồng/kg, cải bắp trắng 12.500 đồng/kg, rau muống 9.500 đồng/gói 500g, cải ngọt 8.500 đồng/gói 500g…
 Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ Thành Công

Lý giải nguyên nhân khiến giá rau xanh đã “giảm nhiệt”, Giám đốc Thu mua khu vực miền Bắc, Công ty TNHH Aeon Việt Nam Trần Thu Quỳnh cho biết, nhưng ngày vừa qua bộ phận thu mua của Aeon Việt Nam đã chủ động làm việc với nhà cung cấp tại khu vực phía Bắc để tăng lượng hàng dự trữ. Đối với nhóm hàng rau quả tươi sống, Aeon Việt Nam tăng thêm trữ lượng từ 200 - 400% tùy mặt hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. “ Giá bán rau xanh tại các siêu thị đã giảm đã khiến tiểu thương chợ truyền thống kinh doanh mặt hàng này giảm tương ứng là điều không thể tránh khỏi”, bà Trần Thu Quỳnh khẳng định.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện mỗi tháng Hà Nội có thể cung cấp ra thị trường tới 700.000 tấn rau, củ các loại với hơn 40 chủng loại rau, dự kiến thời gian tới nếu như nguồn cung từ các tỉnh bị hạn chế, TP Hà Nội sẽ tập trung mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ đông sớm khoảng 500 - 600ha tại các huyện có đất vùng bãi, diện tích chuyên canh rau, trung bình 80 - 100 ha/huyện, như: Phúc Thọ, Đan Phượng, Chương Mỹ, Mê Linh, Phú Xuyên, Thường Tín, Gia Lâm, Sóc Sơn... Mở rộng diện tích sản xuất rau ngắn ngày, rau trái vụ, rau vụ đông sớm khoảng 2.000ha rau ở các huyện: Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Phúc Thọ,... tập trung sản xuất các loại rau ngắn ngày như rau muống, cải các loại, mùng tơi, rau ngót...
Mua hàng online tăng mạnh
Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Hà Nội, các siêu thị ngoài việc mở cửa bán hàng trực tiếp, còn tăng cường kênh online qua đó hạn chế lây lan dịch bệnh trong quá trình mua hàng trực tiếp.
Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce Nguyễn Thị Phương cho biết, nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua hàng online trong thời gian giãn cách xã hội, đơn vị xây dựng nhiều phương án giao hàng tiện lợi nhanh chóng cho khách hàng như: Dịch vụ "đi chợ hộ", đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tử như VinID, Now, Lazada... hay đặt hàng online trên website Vinmart.com.
Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, siêu thị cũng tiếp nhận đơn hàng qua viber/zalo. Người dân chỉ cần liên hệ với siêu thị thông qua các kênh trên, hàng sẽ giao về tận nhà. “Hiện siêu thị Co.opmart có 3 xe tải đã được cung cấp “luồng xanh”, đảm bảo giao hàng khắp nội thành Hà Nội”- bà Nguyễn Thị Kim Dung cho hay. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hệ thống siêu thị BigC cũng áp hàng loạt các hình thức bán hàng trực tuyến như: Ứng dụng GO! & Big C; qua điện thoại; Zalo shop.
Thực tế cho thấy những ngày này không chỉ các siêu thị mới đẩy mạnh bán hàng online mà trên các mạng xã hội Zalo, FB người tiêu dùng cũng tự thành lập các nhóm mua rau xanh online kết nối trực tiếp với các đầu mối kinh doanh mặt hàng này để mua rau theo nhu cầu với giá bán buôn. Trao đổi với phóng viên, anh Trần Văn Công đầu mối bán buôn rau xanh tại chợ Thành Công (Ba Đình) cho biết, ngoài việc đáp ứng nhu cầu mua rau thông qua mạng xã hội theo giá bán buôn, một số tiểu thương cũng bán lẻ mặt hàng rau xanh theo combo với giá bán buôn qua đó hỗ trợ người dân ngoại thành tiêu thụ sản phẩm.