Thị trường sau Tết ổn định: Tác động tích cực từ bình ổn giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm trước và sau Tết Nguyên đán, các siêu thị đã tích cực dự trữ hàng hóa, điều này góp phần kiềm chế việc tăng giá những ngày sau Tết.

Siêu thị đông người mua

Khác với mọi năm, năm nay các siêu thị rất đông khách, không chỉ 29, 30 Tết các siêu thị mới đông khách mà ngay sau Tết lượng người đến siêu thị mua sắm cũng không ít. Điều đáng nói là các siêu thị đã không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống không những không tăng giá, mà còn khuyến mãi giảm giá nên thu hút khá đông các bà nội trợ.

Tại siêu thị Big C, ngay từ 26/1 đã đưa ra 5 chương trình khuyến mại và áp dụng đến 12/2 giảm giá 5 - 45% cho hơn 900 mặt hàng, bao gồm: thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm, thời trang… Ngay cả các mặt hàng thủy hải sản tươi sống cũng giảm giá 10%, như thân cá thu từ 197.000 giảm xuống còn 179.900 đồng/kg, mực ống trứng giá từ hơn 153.000 đồng giảm còn 139.900 đồng/kg… Các mặt hàng rau củ quả tươi cũng có mức giá giảm khoảng 5%. Không chỉ có Big C mới tung ra các chương trình khuyến mại trong ngày đầu năm mới mà nhiều siêu thị  trên địa bàn Hà Nội như Fivimart, Intimex, Hapro cũng đưa ra nhiều chương trình giảm giá khuyến mại từ 10 - 20% cho nhiều mặt hàng rau xanh, thực phẩm.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C cho biết: Việc đưa ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại nên đến nay trung bình mỗi ngày siêu thị phục vụ khoảng 2 - 3 vạn lượt khách đến mua sắm tại siêu thị. Mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất là các hàng thực phẩm và rau củ quả tiêu thụ tăng 30% so với cùng kỳ.

Thay đổi thói quen đi chợ!

Trong khi các siêu thị đông khách thì hầu hết các chợ truyền thống đều vắng khách không phải do không có hàng bán mà bởi giá bán cao hơn siêu thị nên khó thu hút người tiêu dùng.

Một tiểu thương ở chợ Kim Liên cho biết: Chợ mở cửa lại vào mùng 4 Tết nhưng mỗi ngày chỉ bán đến khoảng 13 giờ là hầu như đã dọn hàng nghỉ bởi lượng khách mua không nhiều. Theo các tiểu thương kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), việc chợ truyền thống không được người tiêu dùng "để ý" là do  giá thịt lợn đầu năm đội lên 10%, giá rau sau Tết tăng khoảng 40 - 50% so với trước Tết nên nhiều khách hàng không mặn mà.

Việc người tiêu dùng " bỏ" chợ truyền thống, chuyển sang mua sắm hàng hàng thiết yếu tại các siêu thị cho thấy, hệ thống bán lẻ hiện đại đã dần thay thế chợ truyền thống. Tuy nhiên, trong thời gian tới để tránh khan hàng, sốt giá nhất là mặt hàng thực phẩm, rau xanh, đòi hỏi các siêu thị phải tăng cường hơn nữa việc liên kết với nhà sản xuất trong hoạt động cung ứng hàng hóa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần