KTĐT - Trên thị trường sữa nước hiện có nhiều sản phẩm khác nhau như: Sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi hoàn nguyên tiệt trùng, sữa chua nước… Nhưng các doanh nghiệp sản xuất sữa luôn mập mờ giữa các sản phẩm nhằm đánh đồng tất cả các loại sữa thành một loại sữa tươi nguyên chất nhằm "móc túi" người tiêu dùng.
Đó là nhận định của hầu hết các đại biểu cuộc tọa đàm "Thực trạng chất lượng sữa tươi" do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa tổ chức.
40% "sữa tươi"là sữa hoàn nguyên
Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng - Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương khẳng định: Trong số hơn 300 sản phẩm sữa các loại do các công ty trong nước sản xuất và nhập khẩu, nhãn hiệu nào cũng ghi là sữa tươi. Ngay cả Ban Bảo vệ người tiêu dùng cũng không phân biệt nổi đâu là sữa tươi nguyên chất và đâu là sữa hoàn nguyên. "Các chuyên viên của Cục Quản lý cạnh trạnh đi mua lại các sản phẩm sửa tươi bán tại các cửa hàng và siêu thị nhưng không thấy bấy kỳ nhãn hiệu nào ghi nhãn mác là sữa hoàn nguyên tiệt trùng, hay sữa tiệt trùng", bà Nga nói.
Giám đốc Công ty Sữa Ba Vì, ông Lê Hoàng Vinh cho biết: Sự nhập nhằng này khiến nhiều doanh nghiệp được lợi rất nhiều trong việc dùng sữa hoàn nguyên để chế biến vì doanh nghiệp không phải tốn chi phí nào trong việc đầu tư, trang bị hệ thống bảo quản khi thu mua sữa tươi, đào tạo, huấn luyện con người…Hơn nữa việc dùng sữa hoàn nguyên để tái chế ra sữa tươi rất nhanh chóng, tiện lợi, chỉ cần mua sữa bột về pha chế. "Nếu tính theo giá sữa nguyên liệu sữa bột nhập khẩu hiện nay là 2.000 USD/tấn, thì giá nguyên liệu cho 1 lít là khoảng 5.000 đồng/lít, trong khi đó giá mua nguyên liệu sữa tươi trung bình là 7.200 đồng/lít, thì việc mua sữa bột pha chế sẽ lợi được hơn 30% so với khi mua sữa bò tươi", Ông Vinh cho biết.
Theo công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoimilk): Đang có ít nhất 40% lượng sữa tươi tiệt trùng bán ra thị trường không phải là "100% sữa tươi nguyên chất". Có như vậy là do sản lượng sữa tươi sản xuất không đáp ứng được nhu cầu, năm 2008, sản lượng sữa tươi tiệt trùng là 439 triệu lít, trong khi đó sản lượng sữa bò tươi của cả nước năm 2008 chỉ đạt 262 triệu lít, đáp ứng được 60% sản lượng sữa tươi tiệt trùng. Năm 2009, tổng lượng sữa tươi cả nước khoảng 270 triệu lít, trong khi đó lượng sữa tươi mà các doanh nghiệp sản xuất sữa đưa ra thị trường lên đến 452,8 triệu lít. Đó là chưa kể đến các sản phẩm khác phải sử dụng nguyên liệu sữa tươi như sữa đặc có đường, sữa chua. Những con số này đã chỉ ra rằng có ít nhất 40% sữa tươi tiệt trùng bán ra thị trường không phải là 100% sữa tươi nguyên chất.
Cần có chế tài xử phạt nặng
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người tiêu dùng nữ - Vinastas cho rằng: có tình trạng này là do kẽ hở của các văn bản pháp quy không quy định rõ tỉ lệ phần trăm thành phần của các loại sữa nên các DN có cơ hội lách luật. Việc thanh kiểm tra, xử phạt của các cơ quan quản lý chưa được nghiêm minh.
Đại diện Công ty Hanoimilk kiến nghị: Bộ Công thương cần phối hợp với các cơ quan quản lý chức năng tiến hành điều tra các doanh nghiệp làm ăn gian dối, cố tình gây nhầm lẫn trong tuyên truyền quảng cáo và trên nhãn mác. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phối hợp với cơ quan truyền thông giáo dục cho người tiêu dùng hiểu rõ thế nào là sữa tươi thanh trùng và sữa tiệt trùng. Bà Nga cho rằng: Hiện, việc quản lý chất lượng sữa nước được giao cho Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế nhưng thực tế, chất lượng sữa nước gần như đang bị thả nổi, chủ yếu dựa trên việc tự công bố chất lượng của các nhà sản xuất, còn người tiêu dùng thì rất ít người "thông thái" - tự nhận biết, phân biệt được chất lượng sữa. Bởi vậy, cần có chế tài mạnh đối với các doanh nghiệp làm ăn gian dối lừa đảo người tiêu dùng.
Bộ Công thương cho biết; Hiện Bộ Công thương đã kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng có chính sách và biện pháp hỗ trợ các hộ nông dân phát triển số lượng đàn bò sữa và nâng cao chất lượng nguồn sữa tươi nguyên liệu thông qua các doanh nghiệp chế biến và sản xuất sữa giúp. Bên cạnh đó, Bộ đang xây dựng kế hoạch chương trình kiểm nghiệm chất lượng sữa tươi và từ đó dựa trên kết quả kiểm nghiệm, Bộ Công thương sẽ đưa ra thông điệp khuyến cáo tới người tiêu dùng. Nếu phát hiện sai phạm nghiêm trọng, bộ sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử phạt.