Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường thép tuần qua: Trong nước chững lại, khủng hoảng năng lượng cận kề

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần vừa qua (19 - 25/9), giá thép trong nước vẫn ghi nhận sự ổn định sau phiên tăng từ chiều 13/9. Trong khi đó, thế giới lo ngại một cuộc khủng hoảng năng lượng đang cận kề.

Ảnh: Hoaphat
Ảnh: Hoaphat

Trong nước tiếp tục ổn định

Tính đến ngày hôm nay (25/9) giá thép vẫn giữ ổn định. Cụ thể, với thương hiệu thép Hòa Phát tại thị trường miền Bắc, dòng thép cuộn CB240 duy trì bình ổn ở mức 15.220 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.430 đồng/kg.

Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý, hiện thép cuộn CB240 dao động ở mức 15.120 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.330 đồng/kg. Thép Việt Nhật, với dòng thép cuộn CB240 có giá 15.020 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 15.220 đồng/kg.

Trước đó, nhận định về thị trường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa cho rằng sẽ có những tín hiệu phục hồi sau khi trải qua giai đoạn khó khăn từ 11/5 đến hết tháng 8 vừa qua.

Dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép. Nhu cầu thép xây dựng kỳ vọng sớm phục hồi khi giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam tăng tốc từ cuối năm sau, khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 hoàn thành giai đoạn phê duyệt thủ tục.

Thực tế, thị trường thép đang chờ đợi những tín hiệu tích cực trong quý IV, bởi theo thông lệ đây là giai đoạn nhu cầu tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ.

Tuy nhiên, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, nhu cầu quý IV có thể tăng hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho còn cao, các nhà sản xuất cần thời gian để xử lý.

Công ty CP Chứng khoán VnDirect cho rằng, giá thép đã được điều chỉnh về mức “phải chăng” hơn (giá thép xây dựng/HRC đã giảm lần lượt 19%/36% từ mức đỉnh), do đó rủi ro tiếp tục giảm sâu là thấp.

Bên cạnh đó, quý cuối năm thường là cao điểm xây dựng tại thị trường nội địa, nhiều DN thép sẽ được hưởng lợi từ việc nới lỏng giãn cách xã hội và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc.

Thế giới đối mặt với khủng hoảng năng lượng

Theo Reuters, Đức là quốc gia phụ thuộc vào khí đốt của Nga để cung cấp nhiên liệu cho nền kinh tế. Hiện ngành thép đang phải đối mặt với chi phí năng lượng phụ trội lên tới 10 tỷ euro, khoảng 1/4 doanh thu trung bình hàng năm của ngành, cùng với chi phí bổ sung cho quá trình chuyển đổi xanh của EU.

Chủ tịch liên đoàn thép WV Stahl, Hans Juergen Kerkhoff cho biết: “Nếu chúng ta không có một hành động cụ thể ngay bây giờ, một mùa Đông phi công nghiệp hóa đang đe dọa chúng ta ở Đức".

Ảnh: ThyssenKrupp Steel Europe
Ảnh: ThyssenKrupp Steel Europe

ArcelorMittal - nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới đã ngừng hoạt động một lò cao ở Đức, cùng với các lò cao khác ở Pháp, Ba Lan và Tây Ban Nha, và dự báo sản lượng trong quý IV của châu Âu sẽ thấp hơn khoảng 17% so với một năm trước đó.

Adolfo Aiello - Phó giám đốc của liên đoàn thép châu Âu Eurofer, nói rằng nếu cuộc khủng hoảng năng lượng không được giải quyết trong thời gian ngắn, tình trạng ngừng sản xuất tạm thời có thể trở nên lâu dài hơn, áp dụng cho cả lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng khác như kim loại, phân bón và hóa chất khác.

Eurofer cho biết tình hình đã trở nên tồi tệ hơn rõ rệt. Triển vọng hàng quý tiếp theo của liên đoàn chỉ đến cuối tháng 10, nhưng Giám đốc nghiên cứu kinh tế Alessandro Sciamarelli cho biết, mức suy giảm năm 2022 sẽ sâu hơn dự báo hiện tại.