Thị trường thương mại điện tử: Doanh nghiệp Việt gặp khó

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng vượt bậc với việc thu hút nhiều DN nước ngoài đầu tư. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, thị trường này đang diễn ra trong cuộc cạnh tranh ngầm khá khốc liệt, và những lo lắng về mất thị phần của nhiều DN Việt là điều dễ hiểu.

“Ông lớn” nước ngoài tăng tốc đầu tư
Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) vừa đây, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam luôn duy trì ở mức trên 20%. Đặc biệt trong năm 2017 con số này là 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giữ vai trò tiên phong trong việc phát triển TMĐT. Trong đó, Hà Nội tính đến hết tháng 12/2017, có tổng số 7.203 website ứng dụng TMĐT của tổ chức, cá nhân; doanh thu đạt trên 36.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, tăng 2% so với năm 2016. Theo tính toán của Hiệp hội này, trong 4 năm tới, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam dự kiến có thể đạt tới 10 tỷ USD.
 Thanh toán thương mại điện tử ngày càng phổ biến trong khách hàng. Ảnh: Phạm Hùng
Việc thị trường TMĐT Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ đã thu hút nhiều DN quốc tế - những “ông lớn” trong lĩnh vực TMĐT đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, tháng 3/2018 “gã khổng lồ" Amazon chính thức đổ bộ vào khai thác thị trường Việt Nam. Trước đó, Alibaba của tỷ phú Jack Ma cũng đã thâm nhập vào Việt Nam thông qua việc mua lại Lazada (trang TMĐT đang chiếm 1/3 thị phần này của Việt Nam).

Để hoàn thành chỉ tiêu về phát triển TMĐT trên địa bàn năm 2018, Hà Nội triển khai 14 nhiệm vụ trọng tâm. Đáng chú ý, TP sẽ thí điểm vận hành chuỗi “Cửa hàng tự động” (không người bán, sử dụng mô hình 020 Online 2 Offline, sử dụng mã hình QR trong đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến, sử dụng logistics điện tử trong giao nhận sản phẩm, hàng hóa). Tổ chức vận hành mạng lưới “Máy bán hàng tự động” tại các địa điểm công cộng trên địa bàn.

Trước đó, thị trường TMĐT Việt Nam cũng đã đón nhận dòng vốn đầu tư của 3 DN đến từ Nhật Bản, bao gồm: SBI Holdings, Econtext ASIA, BEENOS khi nắm giữ 33% cổ phần tại Công ty CP Sen Đỏ (Sendo), DN trực thuộc Tập đoàn FPT. Trong khi đó, trang TMĐT đứng thứ 4 hiện nay là Tiki.vn cũng đã bán 22% cổ phần cho Quỹ Đầu tư CyberAgent và 30% cổ phần cho Tập đoàn Sumitomo.

Như vậy, cộng với sự gia nhập chính thức của Amazon, 3 trong số 4 “đại gia” lớn nhất thế giới về TMĐT đã có mặt tại Việt Nam, với những chiến lược giành thị phần khác nhau. Đây đều là những cơ hội để các DN Việt đưa hàng hóa của mình đến với người tiêu dùng, thông qua một hình thức mua sắm mới ngày càng được ưa chuộng.

Còn “đất” cho doanh nghiệp Việt?

Việc các DN nước ngoài đầu tư vốn và công nghệ vào thị trường TMĐT Việt Nam bên cạnh việc thúc đẩy thị trường này phát triển, cũng đặt DN Việt vào cuộc cạnh tranh khốc liệt bởi tốc độ phát triển DN TMĐT Việt Nam chưa tương xứng so với các hình thức bán lẻ khác.

Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải thẳng thắn nhìn nhận: Dự kiến đến năm 2025 giá trị hàng hóa lưu chuyển qua TMĐT lên đến 7,5 tỷ USD nhưng cũng mới chỉ chiếm 5% tổng mức lưu chuyển hàng hóa. Điều đó cho thấy, TMĐT Việt Nam vẫn còn tụt hậu so với thế giới. Nguyên nhân là bởi hạ tầng TMĐT Việt Nam chưa đồng bộ, việc thực hiện thao tác thương mại trên môi trường điện tử mới chỉ ở mức độ rất thấp, mang tính bán sơ khai chưa chuyên nghiệp, tập quán thương mại vẫn là dùng tiền mặt, mua sắm nhỏ lẻ. Minh chứng thêm cho nhận định của ông Hoàng Hải - Tổng Thư ký VECOM Trần Trọng Tuyến cho biết, phần lớn DN Việt, đặc biệt là DN vừa và nhỏ chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị hiếu khách hàng nước ngoài để bán hàng trực tiếp, không qua các nhà phân phối trung gian. Xét về mức độ uy tín, các nhà bán hàng trực tuyến trong nước cũng vẫn “đuối” hơn so với nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu.

Là địa phương luôn đi tiên phong trong việc phát triển TMĐT, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách khuyến khích các DN TMĐT Hà Nội phát triển. Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về phát triển TMĐT trên địa bàn năm 2018, trong đó phấn đấu doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2018 chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn. Về tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến yêu cầu đạt 66% số người sử dụng internet trên địa bàn (tăng 3% so với năm 2017). Phấn đấu có 85% cơ sở phân phối, bán lẻ… chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, về tỷ lệ phần trăm DN có website/ứng dụng cung cấp thông tin DN, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đạt 62%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dù tiềm năng phát triển TMĐT tại Việt Nam là có thật, nhưng sự phát triển này vẫn thiếu bền vững do người tiêu dùng còn nhiều nghi ngại ở sản phẩm, thông tin còn đơn điệu, thiếu sức hấp dẫn cũng như một số công cụ hỗ trợ khách hàng. Qua khảo sát, có trên 50% người mua sắm Việt Nam thích mua hàng ở nước ngoài do sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, bên cạnh dịch vụ, thanh toán, hậu mãi,… Ngoài ra, thói quen mua sắm đặc trưng của người Việt Nam là “thấy, sờ và… thử” nên không ít khách hàng chủ yếu dạo chơi trên mạng để khảo giá là chính. Tuy nhiên, với sự thay đổi của xã hội và nhịp sống hiện đại, thời gian dành cho việc mua sắm truyền thống sẽ hạn chế rất nhiều, và TMĐT chính là lựa chọn phù hợp. Do đó, các chuyên gia cho rằng, dù có khó khăn nhưng thị trường TMĐT Việt Nam vẫn là một mảnh đất tiềm năng cho DN Việt.

"Để thúc đẩy DN TMĐT Việt Nam phát triển đủ sức cạnh tranh với DN quốc tế, trong thời gian tới cần tập trung xây dựng một vài DN thương mại mạnh làm đầu tầu trong việc phát triển TMĐT. Đồng thời thành lập một Ban chỉ đạo hoặc có thể là Ban điều phối các hoạt động bán lẻ và TMĐT do một lãnh đạo Chính phủ đứng đầu để điều hành công tác quản lý các hoạt động này thật sự hiệu quả." - TS Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ