Tổng kết ngành Công Thương năm 2022

Thị trường trong nước tăng trưởng mạnh, xuất khẩu lập kỷ lục mới

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 732 tỷ USD, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD…. là những điểm sáng của ngành Công Thương năm 2022.

Chiều 26/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Bộ Công Thương. Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan của Đảng, Nhà nước; cơ quan của Quốc hội; các bộ, ngành, cơ quan T.Ư; các tập đoàn, tổng công ty, DN có lĩnh vực thuộc ngành Công Thương quản lý.

Đại biểu các bộ, ngành, cơ quan T.Ư dự hội nghị.
Đại biểu các bộ, ngành, cơ quan T.Ư dự hội nghị.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 4,8%), đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành (kế hoạch tăng 8,5 - 9%). Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng khoảng 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (tăng 4,82%) và cao hơn kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01 (kịch bản GDP trong công nghiệp tăng 6,4 - 7,3%).

Nổi bật, trong năm 2022, cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang những ngành công nghiệp công nghệ cao.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh báo cáo tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh báo cáo tại hội nghị.

Trong năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Dự kiến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2022 tăng khoảng 9,5%; đóng góp tới hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đối với lĩnh vực điện lực, năm 2022, toàn ngành đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của người dân; tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa 6 dự án có nguồn điện lớn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đi vào vận hành. Ngành dầu khí về đích trước kế hoạch 2 tháng 18 ngày, đưa 5 mỏ và công trình mới vào khai thác, nhiều hơn 1 công trình so với kế hoạch cả năm, nộp ngân sách hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng. Ngành than cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2022.

Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới

Năm 2022 hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trong sự phát triển ngành Công Thương. Theo đó, trong năm, trước bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, tuy nhiên xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao.

Dự kiến cả năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD dự kiến 39 mặt hàng (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 dự kiến tăng khoảng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2022 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước, thể hiện sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, và sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt cơ hội phục hồi và khan hiếm hàng hóa từ những thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các FTA nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu.

Thị trường trong nước tăng trưởng mạnh mẽ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt khoảng 5.639,5 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021 (kế hoạch tăng 8%). Nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng.

Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát; gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với những hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 tăng 21%, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8%).

Hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Đối với thị trường xăng dầu, 2022 là một năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước, khi giá xăng dầu tăng cao theo giá xăng dầu thế giới, nguồn cung hạn chế. Có thời điểm đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung. Đến nay, nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.

8 nhóm giải pháp chinh phục những mục tiêu năm 2023

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo lập nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước được dự báo tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, để thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, ngành Công Thương đề ra 8 nhóm giải pháp, đó là:

Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ DN khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc DN FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất DN trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Song song đó, triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Đồng thời, phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường gần 100 triệu dân. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế.

Đặc biệt, tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.

 

Năm 2023 ngành Công Thương phấn đấu đạt một số mục tiêu quan trọng: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8 - 9% so với năm 2022; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022; Cán cân thương mại duy trì xuất siêu; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8 - 9% so với năm 2022.