Thị trường tiềm năng lớn
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, khu vực Á - Âu với 28 nước, dân số hơn 410 triệu người, tổng GDP gần 3.337 tỷ USD nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất cao. Từ đầu năm đến nay, dù phải đối mặt với những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và Covid-19, DN Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa sang khu vực Á - Âu trị giá 8,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên so với tổng nhu cầu nhập khẩu lên đến 1.345 tỷ USD của các nước Á - Âu, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm 0,66% thị phần. Điều này cho thấy, dư địa cho hàng Việt Nam tiêu thụ tại thị trường này còn rất lớn.
Tại Diễn đàn Hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á - Âu 2021 do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh nêu rõ, Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, như Việt Nam - EAEU, EVFTA, EVIPA… qua đó lưu thông hàng hóa 2 chiều thuận lợi.
“Tháng 10/2016 Hiệp định FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực đã thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang Nga tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ riêng 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Nga đạt 469 triệu USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020”- ông Linh dẫn chứng.
Đồng tình với ý kiến này Đại biện Đại sứ quán Ukraina tại Việt Nam Natalia Zhynkina thông tin, thông qua FTA mà Việt Nam đã ký kết các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam có thể dễ dàng thâm nhập vào thị trường Ucraina. “Ukraina có nhu cầu mua nhiều sản phẩm nông sản, riêng năm 2021 nhập khẩu lượng hàng trị giá khoảng 6,5 tỷ USD nhưng nông sản Việt Nam mới chỉ đạt kim ngạch 900 triệu USD. Điều này cho thấy nông sản Việt còn rất nhiều tiềm năng phát triển”, bà Natalia Zhynkina nói.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga Dương Hoàng Minh thông tin thêm, Liên bang Nga là thị trường tốt cho hàng tiêu dùng Việt Nam, một số mặt hàng nông sản, nông sản chế biến của Việt Nam đã từng bước tiếp cận được các hệ thống bán lẻ của Liên bang Nga. Đồng thời Nga còn giúp các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam tiến vào thị trường châu Âu.
Cần tìm hiểu nhu cầu Thực tế cho thấy mặc dù thị trường Á - Âu còn nhiều dư địa cho DN tăng kim ngạch xuất khẩu, nhưng để làm được điều này đòi hỏi phải hiểu tập quán kinh doanh, nhu cầu hàng hóa của người dân nước sở tại.
Chia sẻ kinh nghiệm đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ tại Liên bang Nga tiêu thụ, Chủ tịch Hội người Việt tại Nga Đỗ Xuân Hoàng nêu rõ, khiếm khuyết mà DN Việt Nam đang mắc phải là tiếp cận thị trường theo hướng chào bán sản phẩm mà mình có, chưa chú trọng tới sản phẩm thị trường cần. Hiện nay, kênh phân phối hàng hóa tại các nước Đông Âu đang phát triển theo hướng hiện đại, nếu DN không có sự chuẩn bị tốt thì sẽ rất khó đưa hàng vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ.
“Những đơn vị lần đầu đưa hàng Việt vào thị trường Á - Âu tiêu thụ nên tiếp cận hệ thống phân phối quy mô nhỏ. Khi đã hiểu biết sâu về thị trường, có dòng hàng ổn định, điều chỉnh được giá thành sản phẩm phù hợp, lúc đó mới quay lại đàm phán với hệ thống phân phối lớn”, ông Đỗ Xuân Hoàng đưa ra lời khuyên.
Đứng ở góc độ DN, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (DN cung cấp dịch vụ kiểm nghiệm thực phẩm) Lý Hoàng Hải cho biết, các nhà nhập khẩu thực phẩm và nông, thủy sản châu Âu đặt ra tiêu chuẩn rất cao, vì vậy muốn tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản DN cần hiểu được các tiêu chuẩn quy định, qua đó kiểm soát quy trình sản xuất từ trang trại đến chế biến, phân phối.
Khu vực Á - Âu đang là thị trường đầy tiềm năng nhưng muốn khai thác có hiệu quả, đòi hỏi DN Việt đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tìm hiểu thị trường. Có như vậy mới đẩy mạnh được xuất khẩu, đưa hàng Việt có chỗ đứng tại thị trường này.
Để tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Á - Âu, DN phải có kho bãi lưu trữ hàng hóa bởi yêu cầu của hệ thống phân phối hiện đòi hỏi đảm bảo thời gian giao nhận. Nếu đặt hàng có thời hạn rất xa mới có hàng (3 - 4 tháng) thì sẽ sai hợp đồng, bị phạt. Để khắc phục khó khăn này, DN nên có cơ quan đại diện và tiến tới sớm có cơ sở sản xuất hoặc phân phối. Chủ tịch Hội người Việt tại Nga Đỗ Xuân Hoàng |