Thị trường vẫn tràn ngập dù sản phẩm Coca Cola bị dừng lưu thông

Hương Hồi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/7, Thanh tra Bộ Y tế đã gửi công văn yêu cầu sở y tế 6 tỉnh, thành phố giám sát việc tạm dừng lưu thông 13 thực phẩm bổ sung của Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam trong đó có Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay thị trường vẫn tràn ngập những sản phẩm này.

Vẫn bày bán tràn ngập thị trường

Ngày 1/7, Thanh tra Bộ Y tế đã gửi công văn yêu cầu sở y tế 6 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nghệ An, Khánh Hòa giám sát việc tạm dừng lưu thông 13 thực phẩm bổ sung của Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam. 

Nguyên nhân mà Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu dừng sản phẩm này là do các sản phẩm của Coca Cola Việt Nam được sản xuất trong nhà máy có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền cấp cho việc sản xuất thực phẩm bổ sung.
Sản phẩm của Coca Cola bày bán tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh chụp chiều 4/7.
Sản phẩm của Coca Cola bày bán tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh chụp chiều 4/7.
13 sản phẩm của hãng này bị tạm dừng lưu thông gồm: Nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost loại hương cam, hương dâu, hương xoài; nước tăng lực nhãn hiệu Samurai hương dâu (dạng chai thủy tinh, chai PET); nước tăng lực nhãn hiệu Samurai (dạng chai thủy tinh, chai PET); nước cam có tép Minute Maid TEPPY và loại chai thủy tinh; nước uống vận động Aquarius (chai PET, lon nhôm); nước uống bổ sung khoáng Dasani; nước cam Minute Maid Splash Smooth.
Tại Co.opmart.
Tại Co.opmart.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị ngày 4/7 tại một số siêu thị Big C, Co.opmart và cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội, 13 sản phẩm là thực phẩm bổ sung của Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam vẫn bày bán rất nhiều. Phổ biến vẫn là loại nước uống Minute Maid Nutriboost loại hương cam, hương dâu …
Cận cảnh những chai nước của Coca Cola bị cấm lưu hành đang bày bán trên thị trường.
Cận cảnh những chai nước của Coca Cola bị cấm lưu hành đang bày bán trên thị trường.
Các cửa hàng tiện ích và cửa hàng của Coca Cola trên các tuyến đường của Hà Nội vẫn bày bán cả ở trong tủ lạnh và bên ngoài sạp hàng hóa.

Người tiêu dùng khi được hỏi có biết thông tin về những sản phẩm của Coca Cola Việt Nam bị dừng lưu thông hay không, nhiều người nói đã biết nhưng cũng có những người nói không biết đến điều này. Những người biết thông tin những sản phẩm của Coca Cola tạm dừng chỉ xem và không mua.

Chưa có kết luận chính thức 

Chiều 3/7, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế trao đổi với một số phóng viên là đã cấp giấy phép đủ điều kiện sản xuất cho các sản phẩm trên.

Như vậy, điều gì đặt ra khi trong cùng một Bộ mà 2 cơ quan có 2 kết quả khác nhau? Một bên là đã cấp và một bên là chưa cấp.

Trong khi đó, đại diện của Công ty TNHH Nước giải khát Coca Cola Việt Nam đã thừa nhận với phóng viên một số báo là chưa cập nhật đầy đủ về những thay đổi trong quy định và đã nhanh chóng khắc phục bằng việc hoàn tất hồ sơ để đăng ký đủ điều kiện sản xuất các sản phẩm Aquarius, Dasani có bổ sung khoáng chất, Samurai, Nutriboost và Teppy vào tháng trước.
Ý kiến thừa nhận của CoCa Cola.
Ý kiến thừa nhận của CoCa Cola về sự kiện này.
Việc thừa nhận của đại diện Coca Cola này có nghĩa là khi có Kết luận của Thanh tra, Bộ Y tế thì đơn vị này mới làm thủ tục khắc phục. Đến nay đơn vị này đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thực phẩm bổ sung cho các nhà máy ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Cho đến thời điểm này, chưa có một cơ quan nào của Nhà nước hay chính đại diện của doanh nghiệp chính thức lên tiếng rằng: Coca Cola đã hội tụ đủ mọi điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm để sản xuất 13 loại nước uống mà bị Thanh tra, Bộ Y tế  tạm dừng lưu thông ngày 1/7. 

Việc những chai nước vẫn còn hiện diện trên các giá, kệ của siêu thị, cửa hàng … kia có ai giám sát cho thu hồi không? Giữa 2 khoảng “sáng”-“tối” trong việc thực thi chính sách của Nhà nước không trọn vẹn kể trên có thể người tiêu dùng bị thiệt do mua phải hàng hóa kém chất lượng nếu không được cơ quan Nhà nước "thổi còi"; hoặc doanh nghiệp bị thua thiệt trong kinh doanh do sản phẩm dừng lưu thông có nghĩa lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm đã bị giảm sút. 

Mặt khác, khi bị dừng lưu thông nhưng doanh nghiệp không thu hồi sản phẩm mà để bổ sung giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sẽ làm nhiều người tiêu dùng nghi ngờ và đặt dấu hỏi: Nếu những sản phẩm kém chất lượng bị yêu cầu thu hồi thì sao? Liệu có tình trạng như 13 sản phẩm của Coca Cola là không thu hồi không?

Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp sản xuất khi chưa có đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm vv… thì chưa vội đưa sản phẩm ra thị trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần