Thị trường vàng trong nước: Bao giờ liên thông?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hơn 6 tấn vàng được tung ra thị trường sau 6 phiên đấu thầu nhưng giá vàng nội vẫn đắt hơn vàng ngoại gần 5 triệu đồng/lượng. Vậy, số vàng đấu thầu đã đi đâu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tung vàng ra bình ổn thị trường hay chỉ cứu thanh khoản vàng cho các ngân hàng đã huy động vàng nhưng chưa tất toán được trạng thái?

Vẫn vênh xa

Cuối tuần qua, ngày 12/4, theo đà đổ dốc của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước có phiên giảm sâu. Giá vàng miếng SJC ở mức khoảng 41,7 - 42,1 triệu đồng/lượng, mua vào - bán ra. Dù giá vàng trong nước giảm gần 1 triệu đồng/lượng nhưng mức giảm này vẫn khá khiêm tốn so với sự rớt mạnh của giá vàng thế giới. Mỗi ounce giao ngay chốt vào những ngày cuối tuần qua của vàng thế giới chỉ dao động quanh mức 1.477 USD, giảm 84 USD (gần 2,1 triệu đồng). Quy đổi ra tiền đồng theo tỷ giá của Vietcombank, giá vàng thế giới vẫn thấp hơn vàng trong nước khoảng 4,9 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng trong nước: Bao giờ liên thông? - Ảnh 1

Hơn 6 tấn vàng đã được tung ra thị trường, nhưng giá vàng nội vẫn đắt hơn giá vàng ngoại. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại cửa hàng vàng Bảo Tín - Minh Châu. Ảnh: Việt Linh

Trong nước, sau 6 phiên đấu thầu vàng miếng, thông qua 21 DN, tổ chức tín dụng trúng thầu, NHNN đã cung ứng ra tổng số 158.200 lượng vàng. Theo các chuyên gia, về nguyên tắc, sau khi thị trường đón một nguồn cung vàng miếng lớn từ NHNN, tâm lý "khát" vàng được giải tỏa, góp phần bình ổn thị trường và giá vàng sẽ sụt giảm. Tuy nhiên, quan sát thực tế thị trường vàng tuần qua thì mức giảm sâu chủ yếu là theo đà tuột dốc của vàng thế giới. Điều đáng nói là vàng Việt Nam luôn tăng nhanh và giảm chậm hơn trong mỗi lần biến động giá vàng cả triệu đồng.

Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Nguyễn Quang Huy đã hơn một lần khẳng định, NHNN tổ chức đấu thầu với mục tiêu bình ổn thị trường vàng chứ không phải bình ổn giá vàng và không để bù lỗ cho bất kỳ một tổ chức nào.

Theo NHNN, trong bối cảnh thị trường vàng quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, giá vàng quốc tế liên tục biến động theo cả hai chiều tăng và giảm. Do đó, thông qua cơ chế đấu thầu, NHNN đã thực hiện tăng cung vàng miếng, từng bước cân bằng cung - cầu vàng miếng trên thị trường. 

Bình ổn thị trường hay cứu ngân hàng?

Tuy nhiên, khi cung được tung ra với số lượng lớn (hơn 6 tấn vàng qua đấu thầu), thị trường vẫn lình xình, người sở hữu vàng vẫn phải chấp nhận mua đắt so với xu hướng chung của thế giới. Vậy, mục tiêu bình ổn thị trường vàng như NHNN công bố nằm ở đâu?

Theo số liệu báo cáo từ các tổ chức tín dụng và DN về tình hình sử dụng vàng miếng mua từ NHNN, lượng vàng miếng trúng thầu của các đơn vị được sử dụng để bán ra thị trường một phần, một phần dùng để tất toán số dư vàng huy động của một số tổ chức tín dụng, góp phần giảm áp lực mua vàng trên thị trường của các tổ chức tín dụng.

Trước khi tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ nhất vào ngày 28/3, đại diện NHNN cho biết, các ngân hàng còn cần khoảng 7 - 8 tấn vàng mới có thể tất toán xong dư nợ vàng. Điều này cũng giải thích vì sao hầu hết những đơn vị mua và đặt giá cao đều rơi vào nhóm tổ chức tín dụng mà không phải các DN kinh doanh vàng. Điều này đồng nghĩa với việc, cơn khát vàng của các ngân hàng thương mại vẫn lớn.

Từ thực tế trên, dư luận có lý khi đặt ra câu hỏi, liệu việc NHNN đứng ra tổ chức đấu thầu vàng có phải là một phương thức để hỗ trợ thanh khoản vàng đang thiếu hụt trong các ngân hàng thương mại? Và thay vì phải đi mua từng lượng vàng trong dân cư hay từ các DN vàng thì nay chỉ ung dung chờ các phiên đấu thầu?

Các chuyên gia cho rằng, nếu muốn giá vàng trong nước tiệm cận với giá vàng thế giới, đơn giản hơn phải có Sàn vàng Quốc gia. Lúc đó NHNN chỉ giữ vai trò kiểm soát. Các tài khoản mở sẽ được thiết lập cho phép hoạt động xuất nhập vàng được diễn ra. Sàn vàng đúng nghĩa ra đời vừa chống được độc quyền, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách lại liên thông được với thị trường quốc tế.

 

"Thông qua đấu thầu, NHNN sẽ cung cấp nguồn vàng, đáp ứng các nhu cầu về vàng của thị trường, trong đó có nhu cầu tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại. Bởi vậy, khi các ngân hàng thương mại hoàn tất việc tất toán trạng thái vàng, thị trường mới có thể kỳ vọng là số vàng đấu thầu sẽ được đi thẳng vào thị trường, điều hòa thị trường và giá sẽ giảm. Mốc quan trọng để vàng có thể chảy vào thị trường phải là sau ngày 30/6, hạn cuối cùng các ngân hàng thương mại tất toán xong dư nợ vàng. Sau 30/6, thị trường sẽ hạ nhiệt dần, và cần thêm độ trễ khoảng 3 - 6 tháng để giá vàng trong nước có thể về sát với giá thế giới".

Chuyên gia kinh tế

Nguyễn Trí Hiếu