Thị trường vật liệu xây dựng: Cơ hội sàng lọc doanh nghiệp yếu kém

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản chưa thể hồi phục khiến nhiều DN ngành vật liệu xây dựng (VLXD) bị ảnh hưởng, thua lỗ và dự báo năm 2024 vẫn tiếp tục khó khăn.

Để hiểu rõ hơn về thực tế này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung.

Kiểm tra kỹ thuật tại Công ty CP Thép Việt Đức tại khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Hải Linh
Kiểm tra kỹ thuật tại Công ty CP Thép Việt Đức tại khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Hải Linh

Doanh nghiệp tìm cách cầm cự

Thưa ông, lãnh đạo nhiều DN ngành VLXD đều bày tỏ sự lo ngại, cho rằng đang phải cầm cự trước khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về phản ánh này?

- Đây là trăn trở thực tế hiện nay, các DN VLXD đang phải gồng mình hết sức để đợi thị trường khởi sắc khi mức độ tác động và ảnh hưởng của bất động sản ở mức tiêu cực. Ngoài sự chững lại của thị trường bất động sản, khó khăn còn đến từ sự bất ổn, xung đột trên thế giới làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu đảo lộn, dẫn đến chi phí nguyên nhiên vật liệu, logistics tăng cao.

Một khó khăn nữa cũng không thể xem nhẹ là khi xuất khẩu suy giảm thì thường sẽ đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, khả năng này kém khả thi trong tình hình hiện nay.

Về mặt kinh tế khi thị trường sụt giảm, các DN rút lui, rời khỏi thị trường cũng là bình thường. Đối với nhóm ngành VLXD, đây là nhóm sử dụng nhiều nguyên nhiên vật liệu, nhân công và có tổng trị giá sản xuất công nghiệp lớn nên có ở mức độ nào đó cũng là đáng báo động. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay chủ yếu do khách quan đem lại. Về mặt chủ quan, các DN đang tìm mọi cách để cầm cự chứng tỏ họ đã đặt niềm tin vào sự phục hồi của thị trường. Bên cạnh đó, việc này cũng có mặt tích cực của nó, đó là cơ chế “sàng lọc” tự nhiên để khi thị trường khởi sắc sẽ không còn các DN yếu kém.

Cụ thể hơn, quy mô và năng lực của các DN đa phần vừa và nhỏ chiếm đa số, năng lực sản xuất thấp, thiếu nguồn lực, công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều này dẫn đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm chưa cao; nhiều sản phẩm cạnh tranh nhau về giá thành nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích kỹ thuật.

Nhiều báo cáo của các hiệp hội (xi măng, VLXD...) với những thông tin về sản suất và tiêu thụ ảm đạm có thể thấy rõ tác động của suy giảm kinh tế đến hoạt động kinh doanh. Ông có thể phân tích rõ hơn nguyên nhân của những khó khăn này?

- Tác động của suy giảm kinh tế đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN VLXD. Đại dịch Covid-19 vừa qua để lại hậu quả to lớn, bào mòn nguồn lực từ vĩ mô trở xuống và đến nay vẫn còn ảnh hưởng đến nguồn lực đầu tư cho sản xuất cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm của thị trường. Tình hình thế giới bất ổn do xung đột dẫn đến thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm nói chung và đặc biệt là thị trường tiêu thụ các sản phẩm VLXD nói riêng.

Về xuất khẩu, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào chính sách vào quan hệ với nhau của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và các khối kinh tế lớn EU, ASEAN… Những chính sách và mối quan hệ đó sẽ bị ảnh hưởng bởi các cuộc bầu cử lãnh đạo một số nước lớn sắp tới. Cho nên sẽ rất khó để đánh giá triển vọng đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung cũng như của DN VLXD Việt Nam nói riêng.

Tích cực phục hồi thị trường nội địa

Xuất khẩu khó khăn, mà đây là vấn đề phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, chúng ta khó có thể kiểm soát. Lúc này, điều chúng ta có thể cải thiện nhanh là thị trường nội địa, nhưng như ông trao đổi, cũng đang rất bí đầu ra. Trong bối cảnh đó, việc phục hồi thị trường trong nước có ý nghĩa như thế nào?

- Như các cuộc suy thoái 2008 - 2010… đã chứng minh rằng việc thúc đẩy, khai thác thị trường trong nước là rất có ý nghĩa, tuy nhiên như đã nêu ở trên khả năng thị trường trong nước hiện nay kém khả thi, cho nên cần có nhiều biện pháp đồng bộ để hỗ trợ sự phục hồi này. Có thể đánh giá, việc Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và lãi suất cho vay hiện nay là rất tích cực.

So với thời kỳ thị trường bất động sản khủng hoảng, đóng băng những năm 2011 - 2013, điểm giống nhau tương đối là cũng tăng trưởng nóng, tăng trưởng bất hợp lý trong các phân khúc. Nhưng điểm khác nhau là lần này, các nguồn lực đã bị đại dịch bào mòn, các bất ổn, xung đột trên thế giới gây nhiễu loạn cho định hình sản xuất, kinh doanh của DN và một số chính sách, luật đã không theo kịp phát triển của thị trường gây ra các cản trở, hạn chế… Trong tình hình hiện nay, đầu tư công là giải pháp cực kỳ quan trọng để kích cầu thị trường VLXD. Tuy nhiên, đầu tư công cũng có hạn chế là không thể phủ hết các loại VLXD khác nhau được và nguồn cũng có hạn.

Để DN có thể tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển bền vững, theo ông cần có những giải pháp gì?

- Đầu tiên phải nói đến là phải có cơ chế, hành lang pháp lý phù hợp và cũng phải có tính “lâu dài, bền vững” theo thị trường. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa. Cần có giải pháp hỗ trợ cụ thể cho các DN duy trì và tồn tại qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Với DN, giải pháp tạm thời là tập trung mạnh vào việc xoay trục, chuyển hướng sang các đối tượng bán lẻ dân dụng, thông qua các hệ thống đại lý. Đồng thời, tập trung vào các dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án đường cao tốc, sân bay.

Về trung và dài hạn, DN cần chuyển đổi, đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, quản lý, áp dụng các giải pháp tiết kiệm, nghiên cứu ứng dụng sản xuất các VLXD mới, xanh thân thiện với môi trường. Bởi đây là xu hướng trong xây dựng, phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên.

Xin trân trọng cảm ơn ông!