Các chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ mang đến nhiều tác động tích cực đối với ngành vật liệu xây dựng (VLXD), trong bối cảnh các ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn từ dịch Covid-19.
Tăng tiến độ giải ngân
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 và 8 tháng năm 2020 lần lượt tăng 45,4% và 30,4% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 8/2020 ước tính đạt 47,4 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm vốn Trung ương quản lý 8,7 nghìn tỷ đồng, tăng 86,7%; vốn địa phương quản lý 38,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38,5%.
Tính chung 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 350 nghìn tỷ đồng, tương đương 55% tổng vốn đầu tư công năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt, tập trung tháo gỡ vướng mắc ở các dự án, giải ngân hết trong năm nay để hoàn thành mục tiêu giải ngân 630 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công của năm 2020.
"Các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao trong những tháng cuối năm” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thị trường VLXD phục hồi
Theo KS Trần Hoàng - Tổng hội Xây dựng Việt Nam, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xây dựng (cả dự án đầu tư vốn ngân sách và dự án đầu tư tư nhân) bị chậm hoặc dừng thi công, đã khiến cho thị trường VLXD gặp nhiều khó khăn, giảm về sản lượng, doanh thu.
“Từ đầu quý II/2020, hoạt động xây dựng đã bắt đầu trở lại, giúp cho thị trường VLXD có tín hiệu phục hồi, nhưng theo đánh giá vẫn còn rất chậm. Dự báo từ nay đến hết năm, thị trường sẽ tiếp tục quá trình phục hồi tốt, bởi các bộ, ngành, địa phương phải “chạy đua” với thời gian trong việc giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng” - KS Trần Hoàng nhận định.
Trong khi đó, TS Đoàn Văn Cương - chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, thị trường VLXD có khả năng phục hồi ngay trong quý cuối cùng của năm nay khi Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công để phục hồi kinh tế. Nhiều dự án đã được Chính phủ kiến nghị Quốc hội chuyển đổi sang thực hiện bằng vốn đầu tư công, như dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; chuyển 3 thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công... Thời gian tới cũng sẽ triển khi nhiều "siêu dự án" sử dụng nguồn ngân sách, có thể kể đến như dự án Sân bay Long Thành (Đồng Nai)...
"Nhìn chung, các dự án đầu tư công có tác động tích cực đến hoạt động xây dựng ở thời điểm hiện tại trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhưng tôi cho rằng, thị trường VLXD chỉ thực sự phục hồi, khi thị trường bất động sản trở lại bình thường" - ông Đoàn Văn Cương nhận định.
Theo dự báo về ngành thép và xi măng năm 2021 của sàn giao dịch chứng khoán SSI, ước tính nhu cầu thép sẽ tăng 3 - 5% so với năm 2020 nhờ kỳ vọng kinh tế vĩ mô chung phục hồi cùng với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI vào Việt Nam; trong khi đó, nhu cầu xi măng sẽ hồi phục 3 - 5% do được thúc đẩy bởi đầu tư công.