Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường vật liệu xây dựng: Tràn lan hàng giả, hàng nhái

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vật liệu xây dựng (VLXD) giả, kém chất lượng là vấn đề không mới. Nhưng suốt thời gian qua, dù ngành xây dựng cố gắng chống chọi vẫn chưa đủ sức để ngăn chặn trước thực trạng hàng loạt sản phẩm trong lĩnh vực này trôi nổi trên thị trường.

Vật liệu xây dựng giả, nhái khiến nhiều DN cũng như các đại lý rơi vào "khó chồng khó". Ảnh: Thành Luân
Vật liệu xây dựng giả, nhái khiến nhiều DN cũng như các đại lý rơi vào "khó chồng khó". Ảnh: Thành Luân

Vàng, thau lẫn lộn

Anh Phạm Hải Long (35 tuổi, trú tại Phương Liên, Đống Đa) cho biết, cách đây 2 năm anh tiến hành sửa chữa và sắm mới các loại thiết bị vệ sinh. Do đơn vị thi công được người thân giới thiệu nên sau khi lên đơn giá thấy hợp lý, vừa túi tiền, anh quyết định đồng ý tiến hành lắp mới. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn sử dụng đã xuất hiện hỏng hóc, khi nắp bồn cầu không tự đóng xuống, đầu năm nay, bộ xả của bồn cầu yếu, tiêu hao nhiều nước.

"Đến lúc tôi gọi bảo hành thì đại lý thông báo đã qua thời hạn, thuê thợ sửa không khắc phục triệt để được. Không còn cách nào khác tôi đành phải thay mới" - anh Long chia sẻ.

Trong vai khách hàng, ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại một số tuyến phố chuyên buôn bán các loại VLXD như Hoàng Quốc Việt, Cát Linh, Kim Ngưu... cho thấy, không khó để tìm những sản phẩm giá rẻ gắn mác các thương hiệu nổi tiếng. Đơn cử, một bồn cầu 2 khối có xuất xứ Trung Quốc chỉ có mức giá 1 triệu đồng; lavabo treo tường gắn mác thương hiệu Inax được quảng cáo phủ men nano cao cấp chỉ có mức giá gần 300.000 đồng...

Một chủ đại lý trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) còn cho biết, với mặt hàng giá rẻ này, chất lượng không thể bằng được các mẫu cao cấp, tuy nhiên không khác so với các mặt hàng tầm trung và thấp. "Độ bền là như nhau, dùng bao lâu cũng không hỏng, nếu em mua nhiều cửa hàng còn chiết khấu thêm, không tính phí vận chuyển" - chủ đại lý này giới thiệu.

Thực trạng VLXD giả, nhái khiến nhiều DN cũng như các đại lý rơi vào cảnh khó chồng khó. Không chỉ tăng giá các sản phẩm do biến động nguyên vật liệu đầu vào, sự phục hồi bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 mà còn bị cạnh tranh không lành mạnh từ những sản phẩm "đội lốt" hàng chính hãng.

Bà Bùi Thị Kim Oanh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm nội ngoại thất Sơn Oanh cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái len lỏi vào thị trường do linh động về giá cả, rất nhiều chủng loại... nhằm đánh vào túi tiền của người tiêu dùng.

"Bên cạnh một số người mua nhầm phải hàng giả do khó phân biệt thì vẫn có không ít người tiêu dùng biết mình đang mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng do giá rẻ hơn so với chính hãng. Trong khi các đơn vị như chúng tôi nhập hàng chính hãng về, bỏ ra nhiều chi phí nhưng bán chậm, ít khách vì giá không thể rẻ hơn được nữa" - bà Oanh chia sẻ.

Bảo vệ với mức độ cao nhất

Theo KTS Ngô Tâm - Công ty CP Tư vấn xây dựng COVIC, việc gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, chất lượng các công trình xây dựng hiện nay.

"Nếu sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, hàng nhái, giả nhãn hiệu các thương hiệu VLXD nổi tiếng sẽ ảnh hưởng đến công trình. Ví dụ liên quan đến phần khung xương bằng thép kém chất lượng sẽ ảnh hưởng tới kết cấu khả năng chịu lực của công trình. Đây là hành động rất nguy hiểm khi có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào" - KTS Ngô Tâm nhận định.

Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, tình trạng vàng, thau lẫn lộn của thị trường VLXD là do cơ chế phối hợp và các chế tài xử lý về hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Cùng với đó, một bộ phận người tiêu dùng còn ham rẻ. Để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả thị trường, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, cơ quan quản lý Nhà nước cần đổi mới phương thức quản lý, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quyết liệt giữa các bộ, ngành, lực lượng thực thi, kiểm soát cả thị trường tiêu thụ lẫn đầu vào của hàng hóa.

Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu (PCCP) Nguyễn Thành Đồng nhìn nhận, tình trạng làm giả, nhái trong lĩnh vực này còn trở nên ngày một tinh vi hơn. Ngoài việc có logo, tên gọi, bao bì làm nhái thương hiệu lớn thì thậm chí nhiều sản phẩm vẫn có đủ cả tem bảo hành, mã QR để truy xuất nguồn gốc.... Việc này gây ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế đất nước và Nhân dân.

"Để khắc phục hạn chế trong công tác phòng, chống nạn hàng giả, nhái bảo vệ thương hiệu DN và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, đơn vị chúng tôi đã nghiên cứu và triển khai Quy trình phòng, chống cũng như bảo vệ thương hiệu với mức độ cao nhất - xử lý theo Bộ luật Hình sự" - ông Nguyễn Thành Đồng nhấn mạnh.

Vị lãnh đạo này cho biết thêm, DN, sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu đã đăng ký qua PCCP sẽ được cấp mã QRcode dưới dạng tài liệu Nhà nước. Khi phát hiện hàng hóa và sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, đơn vị sẽ xử lý theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 về: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức Nhà nước.

"Các sản phẩm bị xâm phạm vẫn có mã QRcode nhưng khi kiểm tra sẽ hiện lên dòng chữ "Mã QR code này là tài liệu Nhà nước cấm sản xuất và tiêu thụ dưới mọi hình thức và sản phẩm bạn đang kiểm tra đang bị xâm phạm" - ông Nguyễn Thành Đồng nói, đồng thời cho rằng, nếu người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay, các hàng hóa này sẽ bị ngăn chặn đầu ra. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước, góp phần giúp thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.

 

Cuộc đấu tranh chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng ai, mà phải là của toàn xã hội; đồng bộ, quyết liệt phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi, nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân. Có như vậy mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.

Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Nguyễn Thành Đồng