Mới có 14% vé tàu Tết được bán ra
Bước vào cao điểm Tết Nhâm Dần 2022, ngành đường sắt đã xây dựng một kế hoạch bán vé Tết khá đầy đủ và chi tiết. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên cả nước, nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết được dự báo sẽ hạn chế.
Tuy nhiên, vẫn có khoảng hơn 200.000 vé tàu được tung ra thị trường vào dịp Tết Nhâm Dần 2022, bằng đúng lượng vé tàu Tết bán ra vào năm ngoái. Đây được đánh giá là một kế hoạch... dũng cảm.
Bước vào cao điểm Tết Nhâm Dần 2022, ngành đường sắt triển khai bán vé tàu Tết từ khá sớm. Cụ thể, ngày 15/11/2021, các đôi tàu Tết gồm SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 giữa Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, SE21/22 giữa TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng đã được mở bán vé.
Liền sau đó, ngành đường sắt tiếp tục mở bán thêm các tàu Tết khu đoạn các ngày cao điểm như tuyến TP Hồ Chí Minh - Phan Thiết đôi tàu SPT1/SPT2 chạy từ 28/1 đến 6/2/2022; tuyến TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, tàu SNT2 TP Hồ Chí Minh - Nha Trang chạy từ 20/1 đến 12/2/2022; tàu SNT1 Nha Trang - TP Hồ Chí Minh chạy từ 21/1 đến 13/2/2022...
Đến ngày 5/1, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội mở bán vé đôi tàu NA1/2 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến Hà Nội - Vinh dịp Tết Nguyên đán 2022, nhất là khu vực ga Chợ Sy và Vinh.
Mới đây nhất, ngày 7/1, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn mở bán thêm tàu Thống nhất Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Các đoàn tàu này vẫn áp dụng chính sách ưu đãi khi mua vé nguyên khoang, nguyên toa như giảm giá vé từ 10-15%, được cung cấp miễn phí suất ăn trên tàu.
Trong những ngày đầu mở bán, lượng vé tàu Tết được bán ra tương đối tốt. Tính đến ngày 6/1, toàn ngành đường sắt đã bán được hơn 23.900 vé. Trong đó, vé bán cho hành khách đi tàu Thống nhất từ ngày 20/1 đến ngày 13/2/2022 là hơn 17.300 vé; Vé tàu khu đoạn là hơn 6.600 vé. Ngoài số vé đã bán, thanh toán thành công, còn lượng lớn vé đặt chỗ qua web, qua các ứng dụng bán vé trên điện thoại.
Tuy nhiên, lượng vé tàu Tết bán ra đã chững lại và giảm dần theo thời gian. Thống kê mới nhất của ngành đường sắt cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, lượng vé tàu Tết đã bán ra chỉ được khoảng 31.000 vé, bằng khoảng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số này, số lượng vé bán được của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội rất thấp, tính đến ngày 10/1/2022 mới bán được 11.233 vé, số lượng chỉ bằng 48% và tiền thu chỉ bằng 43% so với Tết năm 2021.
Nguy cơ ế vé...
Một trong những nguyên nhân khiến lượng vé tàu Tết bán ra năm nay thấp như vậy là do vé đi chặng dài hành trình Bắc - Nam đang bị... ế khách. Trong khi đó, các chặng tàu ngắn lại đang là sự lựa chọn của nhiều người. Đặc biệt là tàu chạy khu đoạn từ các ga Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa đi Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng vào những ngày cao điểm từ 26-28 tháng Chạp gần như đã kín chỗ. Đây được xem là phân khúc thị trường tiềm năng nhất để ngành đường sắt tăng lượng vé tàu Tết bán ra trong thời gian tới.
Dẫu vậy, với tình hình chung hiện nay, không nhiều người tin rằng thị trường vé tàu Tết sẽ “quay xe” tạo ra một sự bứt phá trong công tác bán vé. Và, viễn cảnh về một cao điểm Tết “ế vé” nữa của ngành đường sắt là rất hiện hữu. Điều này càng có cơ sở khi những phương thức vận tải hành khách khác vốn đắt khách vào cao điểm Tết năm ngoái như hàng không, đường bộ cũng đang rơi vào tình trạng ế ẩm do vắng khách.
Cách đây một năm, cũng vào cao điểm Tết Tân Sửu 2021, ngành đường sắt đã tung ra thị trường khoảng 200.000 vé tàu Tết với hi vọng nhu cầu đi lại tăng cao vào cuối năm của người dân sẽ giúp tiêu thụ hết số vé này. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra khi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến lượng khách đi lại giảm và hệ quả là có khoảng 70.000 vé tàu Tết bị ế không bán được. Đó là chưa kể có rất nhiều vé đã được bán nhưng sau đó bị đổi, trả do người dân lo ngại nguy cơ dịch bệnh khi đi lại vào dịp Tết.
Chuyên gia gia thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhận định, xu hướng người dân hạn chế đi lại vào dịp Tết để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang trở nên phổ biến. Đây chính là lí do không chỉ đường sắt mà tất cả các loại hình vận tải hành khách khác đều rơi vào tình trạng vắng khách bất kể đó là cao điểm Tết.
“Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, TP, hạn chế đi lại vào lúc này là giải pháp tốt nhất để phòng, chống dịch” - ông Bùi Danh Liên nhận định. Chuyên gia giao thông này cũng cho rằng, một nguyên nhân khách khiến lượng hành khách đi máy bay, tàu hỏa hay xe khách Tết Nguyên đán năm nay giảm mạnh là bởi một lượng lớn người dân ở các TP lớn đều đã di chuyển về quê từ đợt bùng phát thứ 4 của Covid-19. Từ đó đến nay, dịch bệnh vẫn không ngừng gia tăng ở nhiều nơi nên dòng người lao động trở lại TP lớn làm việc chưa xuất hiện.
Các chuyên gia cho rằng, vào mỗi dịp Tết luôn có rất nhiều người lao động ở các TP lớn về quê ăn Tết nên xe khách, tàu hỏa, máy bay đông khách là điều dễ hiểu. Vậy nên, khi nhiều người lao động đã về quê gần hết thì lấy đâu ra khách đi tàu xe. Đây là viễn cảnh hoàn toàn có thể dự báo được từ trước.
“2 năm trở lại đây, người dân ít mua vé tàu sớm do lượng vé nhiều, ngoài tàu hỏa còn rất nhiều lựa chọn như ô tô, máy bay giá rẻ. Đa số hành khách thường mua vé gần sát tết nên lượng vé mở bán sớm không bán được nhiều. Năm ngoái, sát tết bất ngờ bùng dịch hành khách ào ào đến các ga trả vé, thì năm nay dịch kéo dài suốt cả năm khiến mọi người đều ngại mua vé tết” - bà Phạm Thị Anh Đào - Trạm trưởng Trạm vận tải đường sắt Hà Nội.