Thị trường xăng, dầu: Bao giờ mới ổn định trở lại?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng thiếu xăng dầu xảy ra nhiều ngày qua tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam đã làm xáo trộn đời sống của người dân. Đáng nói, cho đến thời điểm này, các cơ quan quản lý vẫn đau đầu với bài toán bảo đảm nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.

Vì đâu đứt gãy nguồn cung xăng, dầu?

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phía Nam xảy ra tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu treo biển “Hết xăng”, “Chờ nhập hàng” hoặc bán nhỏ giọt, cầm chừng. Nguyên nhân được xác định là do nguồn cung xăng dầu thiếu ổn định.

Những ngày qua, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội treo biển tạm thời hết hàng hoặc chỉ bán cầm chừng. Ảnh: Khắc Kiên
Những ngày qua, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội treo biển tạm thời hết hàng hoặc chỉ bán cầm chừng. Ảnh: Khắc Kiên

Cụ thể là do những ngày qua, nguồn cung xăng dầu từ thương nhân đầu mối khan hiếm, bị gián đoạn hoặc không kịp cung ứng hàng, nên các thương nhân phân phối xăng dầu không đủ nguồn hàng cung ứng cho cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, chiết khấu thấp cùng các chi phí mặt bằng, nhân công, vận chuyển... không được tính vào giá bán khiến DN thua lỗ.

Chủ một DN đầu mối xăng dầu chia sẻ, khi giá xăng dầu liên tục lao dốc trong suốt 5 - 6 kỳ điều hành, DN đầu mối nhập về toàn ở mức giá cao, mà các chi phí, phụ phí phát sinh không được tính đúng, tính đủ vào cơ cấu giá cơ sở. Điều này dẫn tới thực tế càng nhập về càng lỗ, DN buộc phải giảm chiết khấu ở mức tối đa.

Trong tháng 9 và 10/2022, mức chiết khấu tính trên 1 lít xăng, dầu cho các cửa hàng bán lẻ thường xuyên duy trì ở mức 0 đồng hoặc thậm chí -50 đồng. Điều này khiến cho hệ thống đại lý, cửa hàng bên dưới không đủ sức để vận hành do phải bù lỗ nhiều tháng liên tiếp.

Lý giải về tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong chuỗi cung ứng xăng dầu, thương nhân đầu mối có chức năng nhập hàng đầu nguồn (từ nhà máy lọc dầu trong nước hoặc nhập từ nước ngoài). Tiếp đến thương nhân phân phối, những người mua lại từ đầu mối và bán buôn cho các đại lý, và sau cùng là cửa hàng bán lẻ sẽ cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, chuỗi cung ứng xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn. Các thương nhân đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng, trong khi giá xăng dầu trên thế giới biến động khó lường, nguy cơ thua lỗ cao nên chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Bên cạnh đó, chiết khấu giảm (xăng từ 0 - 200 đồng/lít, dầu từ 200 - 400 đồng/lít), có thời điểm thậm chí âm nên các cửa hàng bán lẻ gặp khó khăn, không đủ khả năng để nhập hàng.

“Mổ xẻ” nguyên nhân đứt gãy nguồn cung xăng dầu, tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương. Đáng nói, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước.

Hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng

Việt Nam là một trong số các quốc gia nhập khẩu xăng dầu lớn, thị trường trong nước cũng gánh chịu những tác động không nhỏ. Với gần 38 DN đầu mối được cấp phép nhập khẩu xăng dầu cùng 2 nhà máy lọc dầu (nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và nhà máy lọc dầu Dung Quất), ở bối cảnh bình thường, gần như không bao giờ có chuyện thiếu nguồn cung.

Một cây xăng tại huyện Quốc Oai, TP Hà Nội giới hạn thời gian bán hàng. Ảnh: Phương Nga
Một cây xăng tại huyện Quốc Oai, TP Hà Nội giới hạn thời gian bán hàng. Ảnh: Phương Nga

Tuy nhiên, khi giá dầu thế giới biến động mạnh trong một khoảng thời gian ngắn, chu kỳ điều hành lại khá dài (10 ngày không tính ngày nghỉ, lễ) nên giá bán lẻ không được cập nhật kịp, dẫn đến nhiều DN đầu mối thua lỗ, giảm nhập khẩu xăng dầu.

Trong bối cảnh nguồn cung ngày càng hạn hẹp, một số DN đầu mối cho biết việc đặt hàng gặp khó khăn khi nhiều đối tác cung ứng lớn phản hồi không ký hợp đồng vì đang dồn nguồn cho châu Âu. Còn nhập từ nhà máy lọc dầu trong nước cũng không dễ dàng, không phải muốn mua là có mà phải theo hợp đồng có sẵn nên khi thị trường có biến động là nguồn cung bị ảnh hưởng.

Thêm vào đó, nhiều ngân hàng siết room tín dụng khiến dòng tiền của DN trong ngành cũng không được dồi dào như trước. Tất cả đều gây ảnh hưởng lớn đến thị trường. Nhiều cửa hàng không gồng nổi chi phí phải tìm cách tạm ngưng kinh doanh, thậm chí nếu chịu bán lỗ thì cũng không có hàng để bán.

Nêu quan điểm về đảm bảo nguồn cung xăng dầu này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, nguồn gốc của vấn đề nằm ở cách điều hành của cơ quan quản lý. Điều mà các DN đầu mối cần bây giờ là cùng với kiểm soát, cơ quan quản lý cần lắng nghe và gỡ khó cho DN, tính đúng và tính đủ các chi phí để DN có thể vận hành, tìm giải pháp để cửa hàng bán lẻ có lãi hoặc ít nhất đủ chi phí vận hành vì không ai có thể gánh lỗ mãi.

Những biện pháp như kiểm tra, xử phạt, rút giấy phép… các cây xăng găm hàng chỉ có tác dụng trong bối cảnh thị trường bình thường tương đối, còn với bối cảnh hiện tại thì DN cũng không có hàng để “găm”.

Thời gian gần đây, Chính phủ đã sát sao chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sớm có giải pháp tháo gỡ nhanh, hiệu quả để thị trường xăng dầu hoạt động bình thường trở lại. Mong rằng các giải pháp sắp áp dụng sẽ mang tính căn cơ, tận gốc, hài hòa được lợi ích của nhà nước, DN và người tiêu dùng.

 

Bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu trong mọi tình huống

Chiều 5/11, trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống.

Khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Mặt khác, tăng cường phòng chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cơ quan chức năng đang nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần