Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường xi măng tiếp tục khó khăn

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu yếu, thị trường cạnh tranh khốc liệt cả trong và ngoài nước nên dự báo sẽ còn nhiều khó khăn đối với ngành xi măng.

"Tắc" đầu ra

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ có 44.600 tấn xi măng và clinker được xuất sang thị trường Trung Quốc, mang về dòng ngoại tệ chưa 1,57 triệu USD, trong khi nửa đầu năm 2023 hơn 24 triệu USD.

Năm ngoái, Trung Quốc từng là thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành xi măng đã giảm nhập khẩu tới 90%, do nhu cầu yếu xuất phát từ nguyên nhân ngành bất động sản nước này gặp khó khăn. Không chỉ vậy, quốc gia này cũng đẩy mạnh xuất khẩu xi măng sang các thị trường chính nhập khẩu xi măng của Việt Nam, khiến sự cạnh tranh về giá tại thị trường xuất khẩu trở nên gay gắt hơn.

Nhiều doanh nghiệp xi măng gặp khó khăn trong thời gian vừa qua. Ảnh: Tuấn Anh
Nhiều doanh nghiệp xi măng gặp khó khăn trong thời gian vừa qua. Ảnh: Tuấn Anh

Thống kê tình hình xuất khẩu nửa đầu năm nay cho thấy, cả nước xuất được 15,9 triệu tấn xi măng và clinker, thu về gần 612 triệu USD, tăng 0,1% về lượng và giảm 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trước khi gặp khó từ những biến động của thị trường Trung Quốc, viễn cảnh cạnh tranh của ngành xi măng đã sớm được dự báo từ nhiều năm trước.

Khó chồng khó khi mới đây, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương (PVTM) đã nhận được thông tin về việc Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) với xi măng và clinker có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, mặt hàng bị điều tra là xi măng và clinker được phân loại theo mã hàng hóa nhập khẩu của Đài Loan 2523.29.90.00.2 và 2523.10.90.00.3. Bên yêu cầu là Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Đài Loan. Ngày khởi xướng là 8/8/2024; thời kỳ điều tra bán phá giá từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024. Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam ở con số 16,99%. Cục PVTM cho biết, nguyên đơn nêu tên 7 DN của Việt Nam, ngoài ra còn có các DN khác cũng xuất khẩu mặt hàng bị điều tra sang Đài Loan.

Có thể thấy, nhu cầu yếu cùng áp lực cạnh tranh trong và ngoài nước, lợi nhuận phân hóa nhiều khiến "sức khỏe" của các DN xi măng ảm đạm trong nửa đầu năm. Nhiều DN đã phải dừng lò vì tiêu thụ khó hoặc hạ giá bán sản phẩm, điều chỉnh công suất của lò máy và thời gian làm việc của người lao động dù phải chấp nhận giảm lợi nhuận nhằm tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất - kinh doanh.

Đơn cử, tại Nghệ An, theo báo cáo Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có 4 nhà máy xi măng đang hoạt động với công suất thiết kế đạt 7,8 triệu tấn/năm, gồm: Nhà máy xi măng Hoàng Mai 1,4 triệu tấn/năm; Nhà máy xi măng Sông Lam 4 triệu tấn/năm; Nhà máy xi măng Sông Lam 2: 0,6 triệu tấn/năm; Nhà máy Xi măng Tân Thắng: 1,8 triệu tấn/năm.

Hai dự án đang được chủ đầu tư triển khai thực hiện: Dự án nhà máy xi măng Sông Lam giai đoạn II, công suất 3,8 triệu tấn/năm và Dự án Xi măng Hoàng Mai 2 - giai đoạn 1, công suất là 2,3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, do một số vướng mắc, khó khăn nên tiến độ thực hiện đang chậm hơn so với dự kiến (hiện tại đang tạm dừng).

Từ năm 2019 đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ của các nhà máy sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giảm mạnh. Hiện tại, Nhà máy xi măng Sông Lam 2 ngừng hoạt động liên tục 3 - 4 tháng/năm, Nhà máy xi măng Tân Thắng chỉ vận hành lò đạt khoảng 37% kế hoạch đặt ra...

Cần giải pháp hữu hiệu

 

Theo thống kê tại 18 DN xi măng trên sàn chứng khoán, trong nửa đầu năm 2024, các DN này lỗ trước thuế gần 110 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh. Các dự án chậm triển khai phải giãn hoặc hoãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công chưa thực sự cao; tình trạng khan hiếm và tăng giá vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi) ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng tại nhiều khu vực, đặc biệt tại miền Trung và Tây Nam Bộ làm cho nhu cầu sử dụng xi măng trong nước sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, nguồn nguyên liệu hóa thạch ngày càng tăng và khan hiếm như nguyên liệu bổ sung ô xít silíc, ô xít sắt, phụ gia bazan. Giá than, dầu, tro xỉ, phụ gia… ngày càng có xu thế đi lên, nhưng giá bán không tăng, thậm chí ngày càng giảm, khó có thể cạnh tranh. Nguồn cung và giá nhiên liệu nhiều thời điểm không ổn định làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.

Việc sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu thay thế vẫn còn vướng mắc, chưa có hướng dẫn cụ thể để sử dụng các nguồn phế thải từ công nghiệp thay thế nguồn nguyên nhiên liệu trong sản xuất. Nhu cầu tiêu thụ xi măng sụt giảm sâu, các nhà máy phải chấp nhận điều chỉnh giá bán theo biến động của chi phí sản xuất đối với một số dòng sản phẩm, dự án đặc thù để duy trì hoạt động.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiến hành kiểm kê phát thải khí nhà kính, thị trường phát thải carbon sẽ được áp dụng gây áp lực lớn lên ngành xi măng. Nhà đầu tư, người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc xanh hóa trong sản xuất, đó là sử dụng nhiên liệu thay thế, tận dụng nhiệt thừa, xử lý rác thải…, tiến tới tăng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế cho than.

Đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam chia sẻ, giá mỗi tín chỉ carbon tại châu Âu khá cao, lên tới hơn 90 USD/tấn CO2 nên nếu phải chịu thuế, đây sẽ là khoản rất nặng nề cho các DN. Do đó, các DN cần sớm có những giải pháp chuyển đổi xanh để ứng phó với việc đánh thuế. Việc chuyển đổi xanh trong sản xuất xi măng thường là giảm hàm lượng clinker (thành phần chính của xi măng), giảm thải trong quá trình nung clinker hoặc giảm tiêu hao điện trong sản xuất.

Tuy nhiên, việc giảm hàm lượng clinker rất khó bởi không khách hàng nào muốn mua xi măng ít clinker. Chính vì vậy, các DN cần tập trung vào giảm phát thải trong quá trình nung hay giảm tiêu thụ điện trong quá trình sản xuất.

Ông Tanakorn Theeramankong - Phó Giám đốc Quốc gia Việt Nam của SCG cho biết, DN này đã cho ra lò loại "xi măng xanh", giảm 20% lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất so với xi măng thông thường. Sản phẩm được sử dụng nhiên liệu sinh khối trong quá trình sản xuất thay thế nhiên liệu hóa thạch và tăng tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo.

DN cũng lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt thải (Waste Heat Recovery) khắp các nhà máy để giảm lượng khí thải carbon phát sinh từ quá trình sản xuất xi măng. Nhờ những sáng kiến này, mỗi tấn SCG Low Carbon Super xi măng (xi măng xanh) góp phần giảm lượng phát thải carbon tương đương với mức độ hấp thụ CO2 của 12 cây trưởng thành trong vòng một năm.