Chọn phương án 1 để thi 4 môn
Sau khi xem xét và nghiên cứu cả 3 PA, bỏ qua PA2 vì không còn phù hợp với thực tế, nhiều phụ huynh chọn PA1 với 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi thứ tư thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Bài thi thứ tư do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng 3. Chị Thu Huyền - phụ huynh HS lớp 9A7, trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho hay, sẽ chọn PA1 vì chỉ thi 3 môn Toán – Văn – Tiếng Anh và một môn nữa trong số 6 môn còn lại.
“PA thứ nhất thi 4 môn sẽ vừa sức HS. Các em dù nỗ lực đến đâu, cũng không thể học hết tất cả các môn học. PA3 tiệm cận với thi THPT quốc gia, nhưng sẽ khiến cho các em bị áp lực thi cử” – chị Huyền nói. Anh Đức Hoàng - phụ huynh học sinh lớp 9E, trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cùng nhiều phụ huynh khác cũng chung quan điểm với chị Huyền, chọn PA1.Nhiều HS năm nay lên lớp 9 cũng lựa chọn PA1, bởi năm học 2018 - 2019, Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 gồm thi và xét tuyển, thí sinh chỉ phải thi 2 môn Toán và Ngữ văn. Với PA1 mới, các em phải thi thêm 2 môn thành 4 môn, đồng nghĩa phải dành rất nhiều thời gian để ôn tập, sẽ dẫn đến quá tải và áp lực; nhưng PA1 còn ít hơn PA3 đến 2 môn thi.
Nguyễn Nam Hải - HS lớp 9E, trường THCS Dịch Vọng chia sẻ: “Hàng ngày em vẫn học kỹ 3 môn, nếu Sở áp dụng PA1, em hy vọng có thể làm bài thi đạt kết quả tốt”. Linh Chi - học cùng lớp với Hải cũng cho hay: “Em thích thi theo PA1 để không phải thay đổi lịch học và học thêm nhiều môn. Với những môn không thi, em chỉ cần làm bài kiểm tra trên lớp đạt điểm yêu cầu, để đầu tư ôn tập cho các môn thi xét tuyển vào lớp 10”.Phương án 3 hay nhưng chưa hợp thời điểmVới 3 PA đang được Sở GD&ĐT lấy ý kiến, Hiệu trưởng nhiều trường THCS cho biết, nếu được lựa chọn sẽ nghiêng về thi 4 môn độc lập. “PA1 thi 4 bài độc lập, trong đó có 1 bài cuối tháng 3 Sở mới công bố thì các con ôn tập đỡ vất vả hơn so với PA3 có 2 bài thi độc lập và 1 bài tổ hợp gồm 4 môn thi” – cô Nguyễn Mỹ Hảo – Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân cho biết.
Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa, huyện Thanh Oai cũng đồng tình với 2 PA mới thi nhiều môn để việc chuyển hóa kiến thức được nhuần nhuyễn và hiệu quả: “Nếu không thi nhiều môn, thì HS sẽ không học, cho dù thầy cô dù có o ép thế nào các em cũng chỉ học tương đối. Hơn nữa, trong các trường còn có tình trạng phân biệt giữa giáo viên dạy môn thi và môn không thi. Hiện nay, các em thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng bị sức ép chỉ 65% vào trường công, nên loại nhau rất lớn. Tại thời điểm này, tôi nghiêng về PA1 nhiều hơn để HS không bị quá tải áp lực học hành".Trong khi mọi người còn băn khoăn giữa 2 PA thi mới, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm đề nghị thực hiện PA3 có 2 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tổ hợp gồm 4 môn. Bởi từ trước đến nay, khi không còn kỳ thi tốt nghiệp THCS, HS học không đồng đều, chỉ lo cho 2 môn Toán, Ngữ văn để vào lớp 10. Hơn nữa, quan điểm thi để lấy điểm là lạc hậu.
Giờ đây, thầy cô, phụ huynh, HS phải hướng tới việc học để phát triển bản thân. Cấp THCS hoàn thiện kiến thức phổ thông, nên Sở GD&ĐT đã đưa ra hai PA mới thi nhiều môn. “PA1 thi Toán, Văn, Ngoại ngữ + 1 môn trong 6 môn còn lại khuyến khích HS học nhiều hơn. Nhưng vì có 1 môn sẽ công bố cuối tháng 3, nên HS sẽ chọn xác suất, dễ bỏ nhiều môn. Vì thế, PA này phục vụ cho phát huy phẩm chất và năng lực của HS một cách toàn diện là không đạt” – thầy Tùng Lâm cho biết và nghiêng về PA3, HS không thể “đánh bạc” mà phải học đều các môn để cuối năm thi.
“Để tránh việc HS bị áp lực, phải đi học thêm, Sở GD&ĐT Hà Nội sớm ra đề thi mẫu và có sự đánh giá. HS không phải học thuộc mà phát triển tư duy, các kỹ năng. Và, đề thi chỉ yêu cầu HS học nghiêm túc, chăm chỉ từ đầu, không cần học thêm hoàn toàn có thể làm bài đạt kết quả tốt” – thầy Lâm đề nghị.