Thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội: Kiên trì, chăm chỉ ôn luyện Lịch sử

Bài, ảnh: Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian học trực tuyến, học sinh (HS) khối 9 tại các trường THCS trên địa bàn Hà Nội được quan tâm sắp xếp thời khóa biểu khoa học, phù hợp để vừa hoàn tất chương trình, vừa ôn tập 4 môn thi vào lớp 10 THPT, trong đó có môn Lịch sử.

Đảm bảo chương trình

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại, Hà Nội vẫn giữ kế hoạch tuyển sinh lớp 10 với 4 môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Thời gian tổ chức kỳ thi vào ngày 10 và 11/6 như quyết định trước đó của UBND TP. Nếu những ngày tới, dịch bệnh Covid- 19 có diễn biến phức tạp thêm, Sở GD&ĐT sẽ xem xét, điều chỉnh lịch thi phù hợp với tình hình thực tế.

Bám sát kế hoạch, các trường và HS vẫn đang tích cực tổ chức học tập, ôn luyện để đạt kết quả tốt. “Tuy học online nhưng các nội dung môn Lịch sử vẫn được đảm bảo duy trì giống như học trên lớp. Vì đây là môn thi thứ 4 của kỳ thi vào lớp 10 nên 100% HS vào học trực tuyến với tinh thần nghiêm túc, đúng giờ. HS của trường hiện được học và ôn tập Lịch sử 2 buổi/tuần. Mỗi tiết học, sau khi cô giáo hệ thống lại nội dung bài học, các em sẽ làm đề ôn tập.
 Học sinh lớp 9 rất vững vàng bước vào kỳ thi lớp 10 với 4 môn thi.
Vì thi Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm nên áp lực môn học cũng giảm bớt phần nào. Kiến thức thi chủ yếu thuộc chương trình lớp 9, giáo viên yêu cầu HS chú ý ôn luyện kiến thức cơ bản trong SGK. Ngoài ra, mỗi buổi ôn tập, giáo viên có thể mở rộng, liên hệ, tóm lược nội dung để HS nắm kỹ”- cô Vũ Thị Thủy, giáo viên dạy Lịch sử, trường THCS Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết.

Cô Trần Thị Mỹ Hạnh - giáo viên dạy Lịch sử trường THCS Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: Tuy tạm dừng đến trường nhưng chương trình các môn học, trong đó có môn Lịch sử được nối tiếp xuyên suốt. Từ 15/3, HS lớp 9 bắt đầu làm đề Lịch sử trên trang web Study.hanoi.edu.vn. Thời gian này, do đã hoàn tất chương trình môn Lịch sử nên nhà trường triển khai cho các em luyện đề tăng cường trên phần mềm Shub Classroom.
Theo đó, mỗi ngày HS sẽ làm 2 đề Lịch sử (1 đề trên trang web Study.hanoi.edu.vn và 1 đề trên hệ thống trực tuyến của trường). Nhìn chung, các em có ý thức tự giác nên kiến thức nắm được khá chắc. Nội dung luyện đề bám sát chương trình của Sở GD&ĐT, chủ yếu thuộc chương trình lớp 9 và dựa theo cấu trúc của đề năm trước, gồm 40 câu có kiến thức về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.

Chăm chỉ luyện từ khóa để vượt qua môn Sử

Theo cô giáo Phùng Diệu Thuần - giáo viên dạy Lịch sử tại quận Cầu Giấy, năm thứ 2 thi môn Lịch sử nên bên cạnh các tài liệu do Sở GD&ĐT phát hành, giáo viên cũng tự biên soạn tài liệu ôn thi phù hợp nhất với phương pháp dạy và HS của mình. Trong quá trình học, dưới sự định hướng của giáo viên, HS cần nắm được kiến thức mỗi bài, mỗi mục thông qua các từ khóa ngắn gọn nhất. Dựa trên ma trận đề thi của Sở để biết được trong mỗi bài hoặc chủ đề sẽ ra bao nhiêu câu hỏi, từ đó xác định kiến thức trọng tâm.
"HS cũng cần luyện nhiều đề, luyện đề nhiều lần để nhớ. Các em nên dành mỗi ngày khoảng 1 tiếng để ôn tập và ghi nhớ kiến thức; tranh thủ trao đổi, hỏi đáp cặp đôi để ôn luyện. Ngoài ra, giáo viên cũng tăng cường kiểm tra dưới nhiều hình thức trắc nghiệm chọn đáp án đúng; điền đáp án từ khóa để trả lời câu hỏi” - cô Thuần chia sẻ.

Với nhiều mốc thời gian quan trọng, yêu cầu độ chính xác cao, việc học môn Lịch sử rất cần ý thức tự giác, sự chăm chỉ của HS, nhất là giai đoạn ôn thi trực tuyến. Không được đến trường học, tương tác trực tiếp với cô giáo nhưng việc học online mang lại lợi thế cho HS là có nhiều thời gian hơn để ôn luyện.

“Em đã học hết kiến thức môn Lịch sử và đang tập trung ôn đề nhuần nhuyễn. Cả 4 môn học, nếu muốn đạt điểm cao thì đều phải học tập chủ động, chăm chỉ và kiên trì. Môn Lịch sử được thông báo là môn thứ 4 đã được khoảng 2 tháng - thời gian đó đủ để chuẩn bị kế hoạch học tập. Tâm lý của chúng em đã rất vững vàng để bước vào kỳ thi với cả 4 môn” - Lê Vân Hà, học sinh lớp 9, trường THCS Yên Hòa, quận Cầu Giấy chia sẻ.