Thi vị khu lưu niệm Nguyễn Du

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tới thăm Khu lưu niệm Nguyễn Du - nơi đại thi hào viết kiệt tác “Truyện Kiều”, du khách sẽ được sống lại trong không khí thi vị, đậm đà bản sắc văn hóa của dòng họ Nguyễn Tiên Điền cách đây hàng trăm năm.

Khách tham quan khu lưu niệm Nguyễn Du.
Khách tham quan khu lưu niệm Nguyễn Du.
Chiếc ô tô vút nhanh trên những cung đường uốn lượn, một bên là hàng thông xanh ngắt, bên đối diện, dòng sông Lam nước biếc hiền hòa dẫn lối vào Khu lưu niệm Nguyễn Du. Khu di tích quốc gia đặc biệt này rộng chừng 2ha, là một quần thể tưởng niệm dòng họ Nguyễn Tiên Điền gồm: Đền thờ Nguyễn Nghiễm - thân phụ của Nguyễn Du, khu lưu niệm Nguyễn Du, đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Huệ - bác ruột của Nguyễn Du... Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những vườn cây xanh tốt với nhiều gốc cổ thụ từng là nơi buộc ngựa của dòng họ Nguyễn Tiên Điền khoảng 300 năm trước. Xuyên trong vườn cây là những lối đi lát gạch sạch sẽ, ngăn nắp. Trước sân khu lưu niệm nổi bật bức tượng Nguyễn Du khăn đóng áo dài, tay cầm bút lông. Tượng bằng đồng, cao 1,5m, bệ tượng cao 2,5m, trông toát lên thần thái nho nhã, thanh thoát của đại thi hào. Nhà thờ cụ Nguyễn Du bày trí đơn sơ, giản dị: Một bàn thờ bằng đá vôi cát; một chiếc bàn nhỏ để bút nghiên cùng một bức hoành đề chữ “Hồng sơn thế phả” do Hoàng Phù Phái, tước trung hiếu đại phu đời nhà Thanh tặng vào năm thứ 55 triều Càn Long (1790) cùng bài vị bằng đá có khắc dòng chữ: “Thanh Hiên Nguyễn Tiên Sinh”. Bên phải nhà thờ Nguyễn Du là Trung tâm Văn hóa Nguyễn Du trưng bày trên 2.000 hiện vật, tư liệu về đại thi hào và dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Tương truyền, khi sáng tác “Truyện Kiều”, cụ Nguyễn Du từng ôm cột nhà xoay tròn khi cân nhắc chữ nghĩa, đến nỗi các cây cột nhà mòn đi, bóng láng... Kế đến, chị thuyết minh viên dẫn chúng tôi tới thăm nhà Tư Văn. Công trình này có từ đời vua Lê Thần Tông (1732 - 1735), trước đây gọi là Văn Thánh thờ Khổng Tử. Sau năm 1735, thời vua Lê Y Tông, Văn Thánh thuộc về dòng họ Nguyễn Tiên Điền - nổi lên phát đạt. Tể tướng Nguyễn Nghiễm cho đưa Văn Thánh về khu vườn của ông tổ họ Nguyễn. Tư Văn trở thành nơi bình thơ văn của “Phượng trì long bảng”, từ tú tài trở lên. Đến Khu lưu niệm đúng dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, khách thập phương còn được thưởng lãm các bản Kiều qua các thời kỳ, các bản dịch Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài, trưng bày bộ tranh sơn dầu tấm lớn minh họa Truyện Kiều, các hiện vật di chỉ khảo cổ học, cuộc thi diễn trò Kiều, ngâm thơ Kiều…

Kết thúc hành trình, cả đoàn rời khu lưu niệm chừng 1km viếng mộ cụ Nguyễn Du. Khu mộ dần khuất nhưng trong tôi vẫn vang vọng hai câu thơ của người: “Không biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?”