Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị xã Sơn Tây: Điểm tựa từ mô hình chính quyền đô thị

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thị xã Sơn Tây đã và đang thu được những “quả ngọt” xứng đáng. Thời gian tới, đây sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc để thị xã Sơn Tây đi lên thành đô thị vệ tinh của Hà Nội.

Những “quả ngọt” đầu tiên

Một buổi sáng cuối tháng 2/2023, anh Nguyễn Văn Tuấn (trú tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) rời trụ sở UBND xã Đường Lâm với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt. Hỏi ra mới biết, anh Tuấn đang muốn xin việc tại một cửa hàng tiện lợi trong nội đô, hồ sơ xin việc phải có sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương.

Mô hình chính quyền đô thị đã và đang phát huy hiệu quả sau hơn một năm thí điểm tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quý
Mô hình chính quyền đô thị đã và đang phát huy hiệu quả sau hơn một năm thí điểm tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quý

Cuối tuần tranh thủ về thăm nhà, ngày đầu tuần anh mang sơ yếu lý lịch ra UBND xã xin chứng thực. Mọi việc diễn ra suôn sẻ và nhanh ngoài mong đợi của anh Tuấn. Đây chính là những chuyển biến dễ nhận thấy nhất sau hơn một năm thị xã Sơn Tây triển khai mô hình chính quyền đô thị hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền “Thân thiện - Trách nhiệm - Vì dân”. Đó là những thay đổi về cơ chế quản lý, phương thức hoạt động, đội ngũ công chức UBND cấp phường đã và đang mang lại hiệu quả bước đầu trong điều hành, quản lý, thực thi nhiệm vụ phục vụ người dân và DN, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính.

'Đặc biệt, UBND thị xã Sơn Tây đã ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND về nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị; cải thiện, nâng cao Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của thị xã.

Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, thời gian thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 9 phường cho thấy sự đồng thuận từ Nhân dân, công chức các phường. Cả hệ thống chính trị từ thị xã đến phường bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện và đổi mới phương thức lãnh đạo.

"Năm 2021, kết quả đo lường sự hài lòng của tổ chức, công dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại 9 phường đều đạt trên 98%. Trong thời gian tới, mô hình chính quyền đô thị vẫn sẽ được thị xã Sơn Tây triển khai theo chỉ đạo chung của TP” – bà Nguyễn Thị Thu Hương cho hay.

Còn những vướng mắc, khó khăn

Sau hơn một năm triển khai thí điểm, mô hình chính quyền đô thị tại các phường của thị xã Sơn Tây cho thấy nhiều ưu điểm so với chính quyền địa phương ở nông thôn. Các ưu điểm nổi bật có thể kể đến như hoạt động thông suốt, nhanh gọn, thuận lợi trong việc phân cấp, phân quyền, tiết kiệm ngân sách.

Phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và bảo đảm tính minh bạch trong quản lý; nâng cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường trong quản lý, điều hành công việc. Bộ máy chính quyền chuyển sang chế độ thủ trưởng, tăng số lượng công chức tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu, sự hài lòng của người dân.

Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai thí điểm, mô hình chính quyền đô thị vẫn đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, thực hiện sắp xếp cán bộ tại các xã, phường còn gặp khó khăn. Nguyên nhân đến từ việc trong cùng địa bàn thị xã đều trải qua trong cùng kỳ tuyển dụng như nhau nhưng công chức làm việc tại UBND phường là công chức cấp quận, còn công chức làm việc tại UBND xã là công chức cấp xã.

Ngoài ra, việc chuyển đổi vị trí công chức cũng gặp khó khăn bởi công chức được điều chuyển từ xã sang phường phải thông qua sát hạch, thỏa thuận mất nhiều thời gian.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ Hà Nội, nhìn chung 12 quận và thị xã Sơn Tây đã nghiêm túc thực hiện đúng các chỉ đạo trong triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả bước đầu, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Đó là, một số phường còn bỡ ngỡ chưa chủ động trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền mới. Còn có hiện tượng cán bộ, công chức phường có tư tưởng chờ hướng dẫn, chỉ đạo của các phòng, ban chuyên môn của quận trong thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, theo cơ chế quản lý của chính quyền đô thị, phường là một đơn vị dự toán nên một số nhiệm vụ phát sinh, đột xuất không có trong dự toán gặp khó khăn trong việc triển khai, thực hiện, thiếu tính chủ động, kịp thời. Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà nhận định, cần nghiên cứu đặc điểm về hạ tầng đô thị, các điều kiện kinh tế - xã hội, dân cư tại các quận, thị xã, huyện trên địa bàn Thủ đô, trên cơ sở đó, tiếp tục định hướng nghiên cứu để đề xuất về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, với 17 huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.

 

Tại kỳ họp thứ 8, ngày 27/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Theo đó, chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã Sơn Tây là UBND phường. Việc thí điểm được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm. Ngày 29/3/2021, Chính phủ có Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội. Theo đó, UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường.