KTĐT - Mốt niêm yết giá bằng ngoại tệ còn được áp dụng với một số dịch vụ gắn đuôi "quốc tế". Một trong số đó là bán, cho thuê tên miền hay học phí học ngoại ngữ và kỹ năng dành cho trẻ em.
Tâm lý sính ngoại, thích thú khi được xài đôla của một bộ phận người tiêu dùng được cho là một những nguyên nhân khiến cho nhiều dịch vụ, hàng hóa dành cho người Việt Nam vẫn được niêm yết bằng ngoại tệ.
Gọi điện đặt vé tại một sân golf ở xã Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội), anh Quân nhà ở Cầu Giấy (Hà Nội) được nhân viên ở đây báo giá bằng USD. Giá ngày thường cho khách lẻ đi cùng hội viên là 131,1 USD một người, cuối tuần 159,5 USD. Phí mua thẻ hội viên chơi golf tại đây là hơn 2.000 USD một năm.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của chị nhân viên, song song với niêm yết bằng USD, công ty cũng tạo điều kiện để khách trả tiền VND theo tỷ giá của ngân hàng, khoảng 20.800 đồng một USD.
Giá niêm yết tại một số sân golf vẫn bằng đồng đôla được lý giải là do người đến chơi phần lớn thuộc tầng lớp thượng lưu, hoặc người nước ngoài. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Thắc mắc việc báo giá bằng đôla dù khách là người Việt, anh Quân được giải thích, đây là quy định và chẳng mấy người phàn nàn. Người tìm đến bộ môn thể thao quý tộc này phần lớn thuộc giới thượng lưu.
"Họ có tiền và chẳng quan tâm đến giá tính bằng đôla hay tiền Việt. Thậm chí, có những người còn sẵn sàng 'bo' cho caddie (phục vụ người chơi golf) vượt mức quy định tới cả chục USD một lần", chị nhân viên nói.
Tại một nhà hàng hạng sang trên phố Quán Sứ (Hà Nội), thực đơn ghi rõ giá các món ăn bằng tiền đô, 5 USD một cốc chè trân châu xoài bưởi, 10 USD một đĩa thịt thăn lợn nướng mật ong, 36 USD một con vịt quay thượng hạng, hơn 200 USD một nồi súp vây cá…. Nếu quy ra tiền Việt, mức giá này lần lượt dao động từ khoảng hơn 100.000 đồng đến hơn 4 triệu đồng một món.
Theo giải thích của nhân viên nhà hàng, việc niêm yết giá bằng USD là để đảm bảo tính sang trọng của các món ăn và là một cách để chiều lòng khách. "Khách thuộc giới thượng lưu thường có tâm lý sính đồ ngoại, nên việc báo giá bằng tiền Việt sẽ vô tình hạ thấp giá trị các món ăn, mà chuỗi số tiền Việt dài lê thê có khi khiến thực khách bực mình", nhân viên này nói.
Mốt niêm yết giá bằng ngoại tệ còn được áp dụng với một số dịch vụ gắn đuôi "quốc tế". Một trong số đó là bán, cho thuê tên miền hay học phí học ngoại ngữ và kỹ năng dành cho trẻ em.
Nhân viên một trung tâm tiếng Anh dành cho trẻ em niêm yết học phí khóa hịc kỹ năng 299 USD nói phần mềm được mua bản quyền từ nước ngoài, nên học sinh dù là người Việt Nam vẫn phải thanh toán bằng đôla. Ngoài ra theo chị này, việc niêm yết bằng USD còn khiến nhiều phụ huynh hứng thú hơn. "Phần vì nó mang tầm quốc tế, phần vì người mẹ nào chẳng thích hơn khi khoe con học bằng đôla, trong khi nói giá đó tiền Việt lại không sang bằng", chị nói.
Anh Dậu, chủ sở hữu một website bán và cho thuê tên miền cũng nói, những tên có đuôi .com, .net… là tên quốc tế nên giá cũng phải "quốc tế" theo. Chẳng hạn giá tên miền shoptui.com được anh Dậu báo là 300 USD, không bớt, tỷ giá tròn 21.000 đồng một USD. "Khi mua tên miền, chúng tôi cũng phải trả bằng đôla, nên cũng khó có thể bán được cho khách theo giá khác, chỉ có thể ưu đãi một chút", anh Dậu nói. Anh cũng thừa nhận, các tên miền có kiểu đuôi .com hay .net vẫn là tên miền "hot" hơn cả và được nhiều người quan tâm.
Bán và cho thuê tên miền cũng là một trong những dịch vụ được niêm yết bằng đôla. Ảnh: Tuệ Minh |
Chị Thịnh bán hàng hiệu xách tay kể, có khách đến mua kính mắt được báo giá 4 triệu đồng õng ẹo mãi không mua vì nghi ngờ không phải hàng hiệu xách tay. Tuy nhiên, lần nhập hàng sau, vẫn sản phẩm này, chị phát giá 2.000 USD thì không cần mặc cả, người khách này lại mua ngay lập tức. Chuyện này xảy ra thường xuyên đến mức, giờ cứ nhìn thấy khách ăn mặc sang trọng, đi xe sang, xài đồ xịn đến mua hàng, thì không cần biết khách Tây hay khách ta, chị đều báo giá bằng USD.
Dù vậy, không phải ai thuộc giới thượng lưu cũng chấp nhận giá dịch vụ được niêm yết bằng đôla. Anh Hồng, nhà ở Lý Thường Kiệt (Hà Nội), một đại gia bất động sản nói, những người được gọi là có tiền cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được đồng tiền. Do đó, nếu như gặp phải dịch vụ dành cho người Việt mà lại bán giá đôla, họ vẫn phải tính toán.
"Những trường hợp sẵn sàng chấp nhận người bán áp dụng giá đôla tự do, thậm chí cho những mặt hàng chẳng liên quan gì đến 'quốc tế', thì cần phải xem lại cách tiêu tiều", anh Hồng nói thẳng. Theo anh, đây rõ ràng là hành động đi trái với chủ trương chống đôla hóa của Nhà nước.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Hưng- Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội khẳng định các quy định hiện hành nghiêm cấm dùng ngoại tệ để niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, trừ một số đối tượng hạn hẹp có liên quan tới khách quốc tế.
Theo ông, những lời giải thích của người kinh doanh rằng sản phẩm nhập nguyên liệu từ nước ngoài nên phải tính giá bằng đôla là không thỏa đáng. Người làm kinh doanh phải biết tự quản trị chi phí đầu vào cũng như giá bán để làm sao không vi phạm quy định của Nhà nước mà vẫn có lãi. Chuyện dùng đồng tiền nước khác để tính giá cho sản phẩm bán tại lãnh thổ Việt Nam là điều không thể chấp nhận dù vì bất cứ lý do gì, ông nói.
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội, chế tài phạt chưa đủ nặng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tình trạng vi phạm về niêm yết giá, báo giá bằng ngoại tệ, điển hình là đồng đôla Mỹ vẫn tồn tại.
Ông thông tin, Ngân hàng Nhà nước đang có dự thảo trình Chính phủ xem xét tăng nặng mức phạt đối với các hành vi quảng cáo, niêm yết giá bằng ngoại tệ. Theo đó, số tiền phạt cho mỗi lần vi phạm có thể lên đến hàng trăm triệu đồng thay vì chỉ 30 triệu đồng như trước và được áp dụng trong một vài tháng tới.