Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Thích ứng trong kỷ nguyên số là vấn đề cấp bách, lâu dài

Ánh Ngọc - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể hóa các chủ trương, đường lối về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại diễn đàn cấp cao thường niên Công nghiệp 4.0 năm 2023.

Ngày 14/6, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên năm 2023 với mục đích gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn.

Những bước tiến chuyển đổi số ấn tượng

Thông tin về những kết quả nổi bật của việc số hóa, xanh hóa ngành dịch vụ, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ có thể nói đến một số lĩnh vực điển hình: Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, trở thành một kênh phân phối ngày càng quan trọng; hay thanh toán không dùng tiền mặt; Sự liên kết giữa ngành ngân hàng và các ngành dịch vụ khác ngày càng chặt chẽ; Fintech ngày càng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức tín dụng và các công ty công nghệ lớn. Giáo dục số phát triển với nhiều hình thức học, thi trực tuyến, đẩy mạnh khai thác kho học liệu số…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Triển lãm Quốc tế công nghiệp 4.0 trong khuôn khổ diễn đàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Triển lãm Quốc tế công nghiệp 4.0 trong khuôn khổ diễn đàn.

Lĩnh vực du lịch dần chuyển dịch sang du lịch thông minh, du lịch xanh, chú trọng bảo tồn di sản văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Dịch vụ vận tải trên nền tảng công nghệ phát triển nhanh chóng với nhiều hình thức. Lĩnh vực logistics gắn với quá trình chuyển đổi số để tối ưu hóa các quy trình, mô hình quản lý vận tải, đơn hàng, kho bãi…

Một số ứng dụng công nghệ số trong hoạt động dịch vụ môi trường đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong việc tái chế, phân loại nguồn thải để xanh hóa và bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực dịch vụ công, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, một số mô hình kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn hình thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng hiện đại, bao trùm và bền vững.

Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Việt Nam cũng gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Theo dự báo của Tập đoàn Ericsson, vào năm 2025 khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thu hút 2/3 nhà sản xuất toàn cầu, trong đó dẫn đầu thuộc về các ngành sản xuất thông minh. Hiện tại, 7 quốc gia trong khu vực gồm Australia, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore và Thái Lan đã triển khai sản xuất những thiết bị công nghệ thông minh 5G.

Việt Nam cũng được Ericsson đánh giá là một điểm đến hấp dẫn với doanh thu từ công nghiệp 5G ước đạt 1,54 tỷ USD vào năm 2030. Việt Nam cũng được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số trong 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi công nghiệp 4.0. Trong đó, nhập khẩu thiết bị, công nghệ số của Việt Nam đứng thứ 15, xuất khẩu công nghệ đứng thứ 46 và hoạt động sáng chế đứng thứ 48 trong số 150 nền kinh tế.

Nói về lĩnh vực AI, Trợ lý Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Dương Duy Hưng cho hay: Chỉ số sẵn sàng cho trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đã đạt mức 51,82/100, tăng 14 bậc so với trước và vượt qua mức trung bình toàn cầu là 47,72. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực về khả năng tiếp cận và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam cũng được đánh giá xếp hạng thứ 48/132 quốc gia về chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), là quốc gia đứng thứ 2 trong số các nước thu nhập trung bình thấp.

Việt Nam là quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo trong 12 năm liền và tiếp tục được WIPO coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn, tự tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo riêng của quốc gia mình.

Khai mạc Triển lãm Quốc tế về công nghiệp 4.0 chiều ngày 14/6.
Khai mạc Triển lãm Quốc tế về công nghiệp 4.0 chiều ngày 14/6.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, diễn giả nhận định, Việt Nam cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức cần vượt qua. Đó là một số vấn đề bất cập liên quan đến thể chế; nguồn lực tài chính đầu tư; nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; an ninh, an toàn thông tin mạng....

Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Đối với Việt Nam, ý thức rõ về cơ hội và yêu cầu, Chính phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, bám sát các yêu cầu của Nghị quyết 29, Chính phủ đã sớm ban hành Chương trình hành động để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cho từng cấp, ngành, cơ quan đơn vị để thực hiện cho được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Quang cảnh phiên Diễn đàn cấp cao thường niên chiều ngày 14/6.
Quang cảnh phiên Diễn đàn cấp cao thường niên chiều ngày 14/6.

Cùng với đó, đổi mới tư duy, tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ phải tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược tạo động lực cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả từ xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chương trình, dự án kết cấu hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để nâng cao tính liên kết và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cùng với đó Thủ tướng yêu cầu, nhanh chóng thể chế hóa quan điểm nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việt Nam với rất nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận và hưởng lợi từ CMCN lần thứ tư. Đó là, có cơ cấu dân số trẻ, ham học hỏi, năng động, sáng tạo; hạ tầng cho công nghệ số hóa phát triển nhanh; cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện. Vì vậy, dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng đây thực sự là cơ cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh, hạnh phúc.

Thủ tướng đề nghị, sau diễn đàn này, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực, biến khát vọng thành việc làm và hành động cụ thể để tiếp tục phấn đấu và đạt được những bước tiến mới góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước ta.

"Chúng ta đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, xác định trọng tâm, trọng điểm để phân bổ nguồn lực, thời gian, thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra” - Thủ tướng nói.

 

Diễn đàn có chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" thu hút quan tâm của hơn 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế.

Sự kiện gồm phiên diễn đàn cấp cao và 4 phiên hội thảo chuyên đề về nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Việt Nam; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa; xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển năng lượng và chuyển đổi số và chuyển đổi số xanh ngành dịch vụ.