Thiện nguyện bán dưa, không thổi được ngọn lửa thị trường nội địa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong một tuần qua, nhiều địa phương đã tổ chức phong trào tiêu thụ dưa ủng hộ đồng bào vùng lũ Quảng Nam, như: Cán bộ CNV Bộ Công thương, Câu lạc bộ sinh viên Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng … Tuy nhiên, chỉ vài chục tấn đến 100 tấn được bán/hơn 100.000 tấn dưa của nông dân miền Trung trong vụ này như muối bỏ bể.

Thực tế tiêu thụ dưa cho nông dân miền Trung thế nào?

Đầu tuần trước, mở màn cho đợt bán dưa thiện nguyện là những sinh viên thuộc Câu lạc bộ sinh viên Hà Nội. Chỉ sau 2 tiếng, các em đã bán hết 15 tấn dưa hấu. Sau đó là Câu lạc bộ Cộng đồng của Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hải Phòng … mỗi câu lạc bộ, địa phương đã bán được từ 14 – 15 tấn dưa ủng hộ đồng bào Quảng Nam gặp lũ. Và ngày 9/4, Bộ Công thương cũng đã tổ chức bán dưa cho cán bộ, công nhân viên và nhân dân nhằm ủng hộ đồng bào miền Trung. Mỗi câu lạc bộ, địa phương đều không quên dán dòng chữ "ỗi trái dưa là một tấm lòng".
Thiện nguyện bán dưa ở Bộ Công thương.
Thiện nguyện bán dưa ở một số nơi.
Quả thật, mỗi khi người dân gặp khó lại thấy bao nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, sự tương thân, tương ái. Thế nhưng, chừng ấy vẫn chỉ như đốm lửa trong đêm đông, và như những giọt muối bỏ vào biển cả mênh mông. Bởi một lẽ, tất cả các tổ chức và địa phương cũng chỉ bán được chừng  khoảng trên dưới 100 tấn dưa trong khoảng 100.000 tấn mà bà con miền Trung trồng trong vụ. Một tỷ lệ quá nhỏ trong sản lượng dưa của miền Trung trong vụ này.

Trong khi trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua đều phản ánh về khó khăn của nông dân Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung đang khóc đứng, khóc ngồi vì không tiêu thụ được dưa. Giá dưa bị tư thương ép giá, tại ruộng từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg. Gần đây nhất là một số bạn trẻ của Hải Phòng cũng vào Quảng Nam mua dưa với giá 3.000 đồng/kg đưa ra TP Cảng để bán giúp bà con với giá 5.000 đồng/kg. 15 tấn dưa cũng chỉ bán trong vòng 2 tiếng là hết. 
Dưa bỏ cho trâu ăn.
Dưa bỏ cho trâu ăn.
Thế nhưng, “Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, tính đến thời điểm này, tình hình tiêu thụ dưa hấu trong nước vẫn diễn ra bình thường. Có những địa phương đã tiêu thụ gần hết lượng dưa sản xuất với giá cả tương đối khả quan”. … (trích Báo điện tử Công Thương). 

Cũng thông tin từ Vụ này, Quảng Nam có khoảng 700 – 800ha dưa thu hoạch đúng vào mùa lũ nhưng đến nay, tình hình tiêu thụ cũng rất khả quan. Giá bán dưa xuất khẩu sang Trung Quốc cũng dao động ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg. Việc tiêu thụ nông sản gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được tổ chức qua các kênh phân phối lớn như Co.opmart, Hapro, Metro, Big C, chợ đầu mối… 

Những thông tin, số liệu từ Vụ thị trường trong nước đã sát với thực tế hay chưa? Cả về giá cả, số lượng tiêu thụ và kênh phân phối.

Nếu giá dưa không rẻ thì không có hình ảnh người nông dân bỏ dưa cho trâu ăn như báo VnExpress đã đưa vào ngày 11/4? Nếu sản lượng dưa tiêu thụ đã giảm đi 80% thì tại sao vẫn còn hàng chục nghìn tấn dưa ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh?

Một thực tế nữa mà phóng viên đã tìm hiểu theo như thông tin mà Vụ thông tin thị trường trong nước công bố đó là kênh phân phối là các siêu thị. Thế nhưng, tại Co.opmart và Big C, không một dòng có thông tin về dưa có nguồn gốc miền Trung, hay Quảng Nam. 

 
Dưa đỏ giống Mỹ bán tại Co.opmart với giá 19.900 đồng/kg
Dưa xuất xứ miền Tây Nam bộ bán với giá 20.900 đồng/kg và 26.000 đồng/kg.

Thiện nguyện bán dưa, không thổi được ngọn lửa thị trường nội địa - Ảnh 1

Dưa hấu ruột đỏ giống Mỹ bán tại Co.opmart với giá 19.900 đồng/kg
Tại Co.opmart chỉ có 2 quầy bán dưa hấu xuất xứ miền Tây Nam bộ, với giá 26.000 đồng, 20.900 đồng/kg và dưa hấu đỏ giống Mỹ 19.900 đồng/kg. Tại Big C cũng có 2 quầy bán dưa: Một quầy bán dưa xuất xứ tại Đan Phượng Hà Nội với giá trên 12.000 đồng/kg và được giảm giá còn hơn 6.000 đồng/kg. Còn 1 quầy bán dưa hấu không hạt, với dòng chữ xuất xứ Việt Nam, giá 24.900 đồng/kg, số lượng quả ít ỏi.

 
Dưa bán tại siêu thị Big C giá 24.900 đồng/kg,
Dưa hấu xuất xứ Việt Nam bán tại siêu thị Big C giá 24.900 đồng/kg,
Theo quan sát của phóng viên, cả 2 siêu thị Big C và Co.opmart  không có dưa ghi xuất xứ miền Trung được bày bán. Trong khi nông dân miền Trung phải bán đổ, bán tháo dưa thì ở siêu thị bán dưa với giá gấp cả chục lần ở miền Trung.

Để lòng nhiệt tình bán dưa, cần thổi vào ngọn lửa thị trường nội địa

Câu chuyện "được mùa mất giá" của nhà nông bao năm nay đã trở thành điệp khúc quen thuộc với mọi người, mọi nhà và mọi cấp, mọi ngành. Khi được mùa, được giá thì luôn thấy vai trò của các cấp, ngành trong việc tổ chức sản xuất, bao tiêu nông sản cho nông dân.

Khi những quả dưa ngọt bỗng chốc thành giọt nước mắt đau lòng thì trong đó chỉ có người nông dân đang vùng vẫy trong sự nghiệt ngã của thị trường thiếu sự định hướng sản xuất của cơ quan chức năng.

Trong khi có biết bao người thương cảm với nông dân miền Trung, có không ít những người còn rất trẻ, là sinh viên chưa một lần biết kinh doanh là gì nhưng cũng đã tổ chức bán dưa thiện nguyện, còn những doanh nghiệp, có cả hệ thống siêu thị kinh doanh đồ sộ, phủ khắp các tỉnh, thành phố vẫn không một chút mảy may vì đồng bào mình.

Nếu những tổ chức, địa phương bán dưa vì tình người điều đó là rất cần thiết, rất đáng quý. Nhưng với ngành Công thương, nơi đây có thể làm được nhiều hơn thế cho nông dân. Chỉ cần một chỉ đạo của ngành này với các doanh nghiệp, nhất là những siêu thị thu mua và thông báo bán dưa ủng hộ đồng bào miền Trung, chắc chắn sẽ thắp lên ngọn lửa tiêu thụ dưa rộng khắp trên thị trường nội địa, chứ không le lói như những đốm lửa rời rạc ở một số nơi. 

Bởi lẽ, các siêu thị luôn là nơi tập trung đông người mua sắm, và việc chỉ đạo của ngành Công thương trong việc này sẽ khuyến khích được người dân tiêu thụ nông sản trong nước đúng với khẩu hiệu “người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam”. Hơn nữa, giá bán dưa trong các siêu thị đang rất cao, gấp đến hơn 2 lần xuất khẩu, gấp cả chục lần nông dân đang bán, và tiềm năng tiêu thụ của nhân dân tron nước còn khá cao./.