Thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tục những ngày qua, dông lốc, triều cường dâng cao… đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, hoa màu, phá hoại đê biển Tây tại các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 12/7, ông Nguyễn Long Hoai - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Cà Mau cho biết, trong mấy ngày qua, dông lốc kèm nước biển dâng đã làm 1 người chết, 1 người bị thương, 2 tàu cá và 4 xuồng máy bị chìm, 80 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 1.708m (trong đó có 464m đường bê tông).

Có 975 căn căn nhà bị thiệt hại (sập 123 căn, tốc mái 829 căn, hư hỏng 23 căn). Thiệt hại 0,56ha nuôi tôm, 168ha muối, 345ha lúa và 1ha hoa màu bị đổ ngã. Ước thiệt hại hơn 11,8 tỷ đồng. Triều cường còn trực tiếp uy hiếp đến đê biển Tây của Cà Mau.

Tỉnh Cà Mau huy động lực lượng xử lý sự cố ở đê biển Tây.
Tỉnh Cà Mau huy động lực lượng xử lý sự cố ở đê biển Tây.

Về công tác xử lý, đối với các vị trí tràn cục bộ, Hạt Quản lý đê điều, Chi cục Thủy lợi đã kết hợp với chính quyền địa phương khảo sát thực tế tràn cục bộ tại những vị trí này không gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, do đó đã vận động người dân tự be bờ chống tràn.

Đối với các vị trí sạt lở, đã huy động hàng chục người tiến hành xử lý cây cối bị đổ ngã trên mặt đê cản trở giao thông đi lại… Từ ngày 12/7, dự kiến huy động 145 người tham gia hộ đê, với giải pháp xử lý là xếp 2 lớp rọ đá tại những vị trí sạt lở.

Ông Bùi Văn Đông - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Cà Mau cho biết, đê biển Tây tỉnh Cà Mau dài khoảng 108km, thuộc địa bàn hai huyện Trần Văn Thời và U Minh, bảo vệ hơn 90.000ha đất sản xuất nông nghiệp và hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, đến chiều tối 11/7/2022, mưa lớn kéo dài kèm theo dông đã làm triều cường dâng cao, sóng biển dâng cao gần 2m trực tiếp uy hiếp thân đê biển.

Tạị xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời xuất hiện 2 vị trí sạt lở nguy hiểm, 1 đoạn 100m và 1 đoạn khoảng 20m. Thân đê bị sóng đánh trực tiếp gây sạt lở nghiêm trọng, sóng đánh tràn lên mặt đê làm giao thông trên tuyến đê biển Tây bị chia cắt do sóng lớn kéo theo cây cối, rác phủ kín mặt đê. Tại Sông Đốc, Trần Văn Thời, nước biển dâng tràn qua nhiều đoạn đê gây sạt lở. UBND huyện huy động hàng trăm lực lượng tại chỗ ứng cứu.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử tại hiện trường sự cố đê biển Tây.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử tại hiện trường sự cố đê biển Tây.

Tại Bạc Liêu, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bạc Liêu thông tin: Vào các ngày 10, 11 và 12/7/2022, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các đợt mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm thiệt hại nhà cửa người dân tại các huyện Hồng Dân, Phước Long, Đông Hải, Hòa Bình, làm sập 9 căn nhà, tốc mái 19 căn, tổng thiệt hại ước tính 233 triệu đồng.

Mực nước trên kênh rạch ở vùng Bắc Quốc lộ 1A hiện có cao trình 0,5 – 0,6m, gây ngập một số khu vực trũng thấp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đang cho tiếp tục mở toàn bộ hệ thống cống tiêu úng.

Giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bạc Liêu đề xuất UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan khẩn trương điều tra, thống kê chi tiết số lượng nhà bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, thiệt hại quy ra tiền do lốc xoáy gây ra trên địa bàn, báo cáo nhanh về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh (Chi cục Thủy lợi). UBND các huyện, thị xã, thành phố sớm hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân để khắc phục thiệt hại, đồng thời chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn (có nhà sập, tốc mái) huy động lực lượng đến địa bàn giúp dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Tại Hậu Giang, theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh này, từ đầu năm đến nay, dông lốc đã làm sập và tốc mái hàng chục căn nhà, phòng học...; xuất hiện hàng chục điểm sạt lở, với tổng chiều dài hơn 400m, diện tích mất đất hơn 2.600m2; ước tổng thiệt hại gần 3,5 tỷ đồng…

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần