Thiên tai xảy ra liên tiếp, cảnh báo nắng nóng gay gắt sau nghỉ lễ 30/4-1/5

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, mưa đá, dông lốc, động đất, xâm nhập mặn đã diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cảnh báo nguy cơ nắng nóng diện rộng sẽ xảy ra sau những ngày nghỉ lễ.

Nhiều loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn

Theo thông tin sáng nay (3/5) từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, tối 2/5, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra dông lốc làm 2 nhà sập hoàn toàn; nhiều nhà tốc mái và một số hạ tầng điện bị hư hỏng.

Trong những ngày trước đó, mưa đá, dông lốc đã xảy ra tại nhiều địa phương khu vực phía Bắc khiến tổng số hơn 1.600 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái. Tại các địa phương cũng ghi nhận ít nhất 2.538ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 1.340 con gia cầm bị chết. 11 trường học bị ảnh hưởng; 40 cột điện gãy đổ cũng đã bị gãy, đổ do ảnh hưởng của mưa lớn, dông lốc…

Lực lượng biên phòng tỉnh Hà Giang hỗ trợ người dân khắc phục nhà ở sau mưa đá, dông lốc.
Lực lượng biên phòng tỉnh Hà Giang hỗ trợ người dân khắc phục nhà ở sau mưa đá, dông lốc.

Nếu như khu vực phía Bắc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của mưa đá, dông lốc thì tại các tỉnh thành phía Nam, xâm nhập mặn đang ngày một phức tạp. Sáng nay (3/5), khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất khoảng 45-55km. Trong khi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Tiền, sông Hậu khoảng 20-30km.

Cơ quan chức năng nhận định: Từ nay đến ngày 10/5, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần vào giữa tuần sau đó giảm, độ mặn phổ biến tại các trạm lớn hơn so với độ mặn cao nhất tháng 4/2022; riêng một số trạm tại Long An, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh có độ mặn nhỏ hơn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cấp 2.

Tại khu vực Tây Nguyên, trong đợt nghỉ lễ vừa qua đã ghi nhận 3 trận động đất, tập trung chủ yếu tại huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum). Độ sâu tâm chấn của các trận động đất dao động từ 8,1 - 9,0. Hiện, Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của các trận động đất này.

Chủ động ứng phó nắng nóng

Đáng chú ý, trong thông tin nhanh phát đi sáng nay (3/5), Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai nhận định, ngày 3/5, ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và vùng núi phía Tây khu vực Bắc Trung Bộ có nắng nóng cục bộ; từ ngày 4-7/5, khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 39 độ. 

Nắng nóng có thể gia tăng tình trạng hạn hán tại nhiều địa phương trên cả nước.
Nắng nóng có thể gia tăng tình trạng hạn hán tại nhiều địa phương trên cả nước.

Từ ngày 5-6/5 ở phía Đông Bắc Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Ở khu vực Nam Bộ từ ngày 3-6/5 có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, hiện nay đơn vị vẫn đang tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, nhất là diễn biến nắng nóng; kịp thời chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.

Trong những ngày tới, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo thời tiết, đặc biệt là tình hình nắng nóng diện rộng. Chủ động các phương án ứng phó, trong đó, tập trung hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống trong những ngày nắng nóng gay gắt để bảo vệ sức khoẻ và hạn chế thiệt hại...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần