>>>Nga: Gần 1.000 người đã bị thương vì mưa thiên thạch
Theo dữ liệu mới được cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập, kích thước ước tính của vật thể trước khi rơi vào bầu khí quyển Trái đất là 17 m (thay vì 15 m như tính toán trước đó), với khối lượng 10.000 tấn. Năng lượng phát ra trong vụ này tăng từ 30 kiloton (theo ước tính ban đầu) lên gần 500 kiloton.
Cảnh sát và phóng viên đang xem xét một hố băng trên hồ Chebarkul, một trong vài nơi được cho là điểm các mảnh vỡ thiên thạch rơi xuống mặt đất.
NASA cũng cho biết thiên thạch này không liên quan đến thiên thạch 2012 DA14 đang đến gần Trái đất. "Quỹ đạo của thiên thạch Nga khác rất nhiều so với quỹ đạo của thiên thạch 2012 DA14, do đó nó là một vật thể hoàn toàn không liên quan", NASA viết trên trang web.
Sau khi vụ nổ thiên thạch diễn ra ở Nga, nhiều người ở Cuba và bang California, Mỹ cũng báo cáo nhìn thấy quả cầu lửa tương tự nhưng nhỏ hơn quả ở Nga bay qua bầu trời.
Cư dân bang California cho biết họ rùng mình khi thấy một ánh lửa bất thường trên vịnh San Francisco vài giờ sau vụ nổ thiên thạch Nga. Dựa trên 35 báo cáo mà Hội Nghiên cứu Thiên thạch Mỹ nhận được, ánh sáng trên bầu trời phía bắc California là mưa sao băng rời rạc không nghiêm trọng, theo Mike Hankey, người quản lý của hội. "Các quả cầu lửa rơi hàng đêm, trên khắp thế giới", AAP dẫn lời anh cho biết.
Tại thành phố Rodas, miền trung Cuba, cư dân cho biết vào tối 12/2 họ nhìn thấy "vệt sáng trên bầu trời và sau đó là một quả cầu lửa lớn, lớn hơn mặt trời". Vụ nổ đã làm "ngôi nhà của tôi rung chuyển hoàn toàn", một người dân địa phương nói trong đoạn clip phát đi tối 15/2 trên trang mạng CubaSi.
Các chuyên gia cho rằng các khối thiên thạch nhỏ rơi xuống Trái đất từ 5 - 10 lần mỗi năm. Nhưng khả năng xảy ra nổ thiên thạch lớn trên diện rộng khiến khoảng 1.000 người bị thương ở Nga mới đây chỉ xảy ra một lần trong ít nhất 100 năm.