Thiêng liêng cây nêu Tết giữa vùng biển Hoàng Sa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối năm, trên đảo Lý Sơn gió nhẹ, nắng xuân sưởi ấm Âm Linh tự, nơi thờ những hùng binh Hoàng Sa năm xưa.

Dựng cây nêu ngày Tết là phong tục có từ xa xưa của dân tộc Việt Nam. Bây giờ, tục lệ này đã mai một. Riêng ở huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, người dân trên đảo vẫn giữ được cây nêu truyền thống trong mấy ngày Tết, vừa mang ý nghĩa đuổi quỷ, trừ ma; vừa tỏ lòng biết ơn ông bà tổ tiên, cầu mong một năm mới biển yên sóng lặn, được nhiều lộc biển. Những năm gần đây, cây nêu còn được ngư dân Lý Sơn dựng lên trên những con tàu rẽ sóng vươn ra vùng biển Hoàng Sa chào đón năm mới.

 
Cụ Võ Hiển Đạt kiểm tra lại cây nêu vừa dựng trên đảo Lý Sơn
Cụ Võ Hiển Đạt kiểm tra lại cây nêu vừa dựng trên đảo Lý Sơn
Những ngày cuối năm, trên đảo Lý Sơn gió nhẹ, nắng xuân sưởi ấm Âm Linh tự, nơi thờ những hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Trong khuôn viên thờ tự, các vị cao niên và con cháu trên đảo tất bật chuẩn bị dựng cây nêu ngày Tết. Theo cụ Trần Ngọc Thọ, người xã An Vĩnh thì từ ngày 23 Tháng Chạp trở đi, trên đảo Lý Sơn đã diễn ra tục dựng nêu. Nơi dựng cây nêu sớm nhất là Lăng Tân, thờ thần Nam Hải, ở xã An Vĩnh. Đến ngày 24 tháng Chạp thì cả 24 toà dinh miếu trên đảo đồng loạt làm lễ “lên nêu”.

Cứ mỗi độ xuân về, những nơi thờ tự trên đảo Lý Sơn dựng cây nêu từ ngày 24 tháng Chạp, còn tại nhà người dân thì đến chiều 30 Tết mới làm lễ dựng nêu. Cây nêu được làm bằng cây tre già, cao to, thẳng, lóng tre đều và không cụt ngọn. Ngọn cây nêu giữ nguyên chùm lá tre tươi được gắn thêm một lá phướn viết các câu chữ cầu chúc năm mới an lành. Vật tín ngưỡng gắn trên cây nêu thường là nhánh xương rồng, nhành lá đa hoặc giỏ tre đựng vàng mã, trầu cau, gạo muối và một bó tỏi. Cây tre dùng làm nêu không một ai được phép bước qua.

 
Ông Trần Ngọc Thọ ở xã An Vĩnh chuẩn bị treo cờ Tổ quốc lên ngọn cây nêu
Ông Trần Ngọc Thọ ở xã An Vĩnh chuẩn bị treo cờ Tổ quốc lên ngọn cây nêu
Cụ Võ Hiển Đạt, ở xã An Hải, huyện Lý Sơn đã ngoài tuổi 83 nhưng cũng chịu khó đi tìm một cây tre ưng ý nhất về làm cây nêu tại nhà mình: “Tôi chọn mua một cây tre xanh tốt rồi rong bớt cành, chỉ để ở trên một tán lá cỡ 5,3 mắt, đem về chiều 30 Tết dựng cây nêu là chọn giờ dậu. Cây tre nêu này trong đó có 1 cái giỏ có 1 cái bùa bát quái, một cải giỏ đựng trầu cau, vàng bạc”.

Khi cây nêu dựng lên, người dân đảo Lý Sơn tiến hành các lễ cúng theo phong tục truyền thống. Dân đảo bày soạn tươm tất mâm cúng “lên nêu”. Đây là dịp để các thế hệ con cháu, họ tộc trên đảo tưởng nhớ bậc cha ông đã mãi mãi nằm lại giữa biển khơi trong hành trình dong thuyền ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, bảo vệ chủ quyền từ hàng trăm năm trước. Ngày xưa, người dân Lý Sơn chỉ dựng nêu trên dinh miếu, nhà riêng. Bây giờ, bà con còn dựng cây nêu ở nóc con tàu.

Tết đến, ngư dân Lý Sơn cùng nhau dựng cây nêu trên con tàu rồi rẽ sóng vươn khơi, cầu mong mọi điều tốt đẹp trong năm mới. Hình ảnh những cây nêu trên tàu rực rỡ cờ Tổ quốc vươn mình đón nắng xuân giữa vùng biển Hoàng Sa biểu thị cho sức xuân đang trỗi dậy trong lòng mỗi người dân Việt. Ông Võ Ngọc Lượng, ngư dân ở thôn Tây, xã An Vĩnh bảo rằng, cây nêu trên tàu không cầu kỳ như cây nêu trước nhà nhưng có ý nghĩa khẳng định chủ quyền trên vùng biển Việt Nam.

 
Tàu cá Quảng Ngãi với cây nêu tiến ra biển
Tàu cá Quảng Ngãi với cây nêu tiến ra biển
Từ bao đời nay, cây nêu là biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết Nguyên đán đối với người Việt, nó gắn liền với sự tích huyền thoại mang đậm tính nhân văn. Nguyên khởi cây nêu có ý nghĩa trừ ma quỷ, cầu mong cuộc sống bình yên. Theo thời gian, cùng với sự phong phú của các đồ lễ treo trên ngọn cây, cây nêu được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời, do tín ngưỡng thờ thần mặt trời của các dân tộc, hàm chứa ý thức về lãnh thổ của người Việt. Dựng nêu ngày Tết bao gồm các dụng ý để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, tảo trừ những điều xấu xa của năm cũ.

Cụ Trần Ngọc Thọ ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho rằng, các tộc họ, gia đình trên đảo cùng dựng nêu cầu mong may mắn và mời các vị thần linh, các vị tiền bối về đón năm mới với người dân trên đảo; tiếp lửa cho con cháu bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, nhà nghiên cứu về văn hóa biển đảo Lý Sơn đúc kết: Cây nêu của người Lý Sơn không cao như cây nêu của người Cor ở miền Tây tỉnh Quảng Ngãi nhưng được chạm trổ tinh xảo với nhiều hoa văn thể hiện ước vọng của người miền biển. Trên thân cây nêu thường gắn con cá gỗ quay theo chiều gió thổi, đặc biệt mọi cây nêu Lý Sơn còn treo lá cờ Tổ quốc. Đây là điểm rất riêng của cây nêu ngày Tết ở đảo Lý Sơn.

“Cây nêu Lý Sơn cũng có phướn, cũng có hình con cá, giống như là cây nêu vùng đồng bằng Bắc Bộ. Khi ra biển thì hình thù có khác hơn chút ít, được tô vẽ màu sắc hấp dẫn, phong phú. Người ta còn gắn cờ Tổ quốc trên đó nữa. Không chỉ mang ý nghĩa xua quỷ, trừ tà vào dịp năm mới nữa mà trong đó còn hình ảnh, là biểu tượng của vùng đất đảo Lý Sơn, còn bóng dáng của tình yêu Tổ quốc”, ông Nguyễn Đăng Vũ khẳng định.

Trong nắng xuân, cờ Tổ quốc trên những ngọn cây nêu ngày Tết tung bay kiêu hãnh giữa vùng biển Hoàng Sa. Cây nêu Tết trên biển góp phần khẳng định chủ quyền của người Việt Nam đối với vùng biển đảo thiêng liêng mà cha ông đã khai phá, giữ gìn từ bao đời nay.