Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị, toạ đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” diễn ra ngày 19/10.
Thiết gắn kết, giao lưu
Theo thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, trung bình cả nước có trên 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, chiếm tỷ lệ 30% tổng số cặp đôi. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 10 cặp đôi kết hôn thì có đến 3 cặp ly hôn. Trong số các cặp đôi ly hôn, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30, 60% ly hôn sau từ 1-5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày.
Nguyên nhân của những đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình rất đa dạng: thiếu sự tìm hiểu và chuẩn bị đầy đủ trước khi bước vào đời sống hôn nhân; thiếu khả năng đối thoại và giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống hôn nhân; thiếu cam kết trong một mối quan hệ; bất mãn và mâu thuẫn trong việc giáo dục con cái. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do internet, mạng xã hội làm chi phối, biến đổi về tư tưởng, đạo đức, lối sống... làm đổi thay văn hóa ứng xử trong gia đình người Việt.
Tại Hội nghị, toạ đàm, Bí thư huyện đoàn Thường Tín, Lê Đức Thọ chia sẻ: Dưới tác động của nền kinh tế thị trường và tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra ngày càng nhanh, mạnh. Đặc biệt là chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0 khi mà máy tính, điện thoại, Internet là không thể thiếu đối với mỗi cá nhân đã làm cho cuộc sống gia đình có nhiều thay đổi so với trước kia, nhất là ở những gia đình trẻ. Do bận bịu với công việc và được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa du nhập khác nhau, nên có suy nghĩ, tư tưởng khác so với trước đây. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi trong cách sống, cách ứng xử của vợ chồng trẻ với các thành viên và với các công việc khác trong gia đình.
Đại diện Hội LHPN Phú Xuyên nêu lên thực trạng, do ảnh hưởng của mạng xã hội, công nghệ thông tin, nên việc gắn kết, giao lưu, chia sẻ thành viên trong gia đình còn hạn chế, một số thành viên, gia đình bị ảnh hưởng bởi lối sống lệch lạc, thực dụng, tiêu cực, thiếu đi sự quan tâm tới các thành viên trong gia đình. Do áp lực công việc, cuộc sống mưu sinh, nhiều bậc cha mẹ không có thời gian quan tâm dạy dỗ, chia sẻ với con cũng như các thành viên trong gia đình, sự gần gũi, yêu thương giữa từng thành viên trong gia đình cũng như cộng đồng.
Định hướng cho thế hệ trẻ
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho thế hệ trẻ được Đoàn thanh niên chú trọng triển khai, qua đó nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên thanh niên trong việc chấp hành pháp luật, góp phần thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên, giữ gìn và phát triển những giá trị tốt đẹp của gia đình.
Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Ứng Hòa Nguyễn Thị Ngọc: Công tác tuyên truyền, vận động được địa phương áp dụng với nhiều hình thức như loa truyền thanh, các hội thi, hội diễn văn nghệ, sân khấu hóa thành tiểu phẩm những dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn, ngoài ra những năm gần đây hình thức truyền thông trên mạng xã hội được áp dụng cũng rất hiệu quả với những nhóm mạng xã hội của thôn, của xã thu hút được đông đảo người dân tham gia.
Bên cạnh đó, việc nắm bắt tình hình của các gia đình theo từng xóm, cụm dân cư được thực hiện bài bản phân công theo từng đoàn thể của thôn. Từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các sự việc của từng gia đình, từng thế hệ. Gia đình khó khăn sẽ chung tay giúp đỡ, hỗ trợ. Gia đình có mâu thuẫn sẽ vận động, tuyên truyền, thăm hỏi để cùng giải quyết mâu thuẫn. Từ đó tạo nên sức mạnh chung, các gia đình giúp đỡ nhau cũng phát triển.
Để việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình phát huy hiệu quả, theo Bí thư Huyện đoàn Mỹ Đức Lê Đức Anh cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các nền tảng không gian mạng như Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube thu hút được nhiều sự quan tâm của giới trẻ cũng như người dân.
Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Tạo môi trường thực tiễn để tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên. Xây dựng các tiêu chí cụ thể về chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa cho các đối tượng đoàn viên thanh niên.
Xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện để thế hệ trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành. Giải quyết vấn đề việc làm tốt sẽ góp phần giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên hiện nay.