Thiệt hại gia tăng do mưa lũ lớn kéo dài tại các tỉnh miền Trung

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống kê đến 9 giờ sáng nay (12/10), các tỉnh khu vực Trung Bộ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều thiệt hại do mưa lớn gây ra trong những ngày qua. Diễn biến mưa được nhận định còn rất phức tạp.

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, đến sáng nay (12/10), lực lượng chức năng của địa phương đã tìm thấy thêm 1 trường hợp mất tích. Như vậy, toàn tỉnh ghi nhận 2 người chết và 1 trường hợp vẫn đang được tích cực tìm kiếm.

Tại Quảng Nam - Đà Nẵng, đến nay hầu hết nhà dân đã hết ngập; tuy nhiên tại Phú Yên vẫn còn 202 ngôi nhà bị ngập. Cùng với nhà ở dân cư, 9 điểm đường giao thông tại Quảng Nam; 5 điểm đường liên thôn tại Quảng Bình; 3 điểm giao thông tại Phú Yên cũng rơi vào tình trạng ngập lụt.

Nhà dân tại Quảng Nam bị ngập do mưa lớn kéo dài. Ảnh: Báo Quảng Nam.
Nhà dân tại Quảng Nam bị ngập do mưa lớn kéo dài. Ảnh: Báo Quảng Nam.

Mưa lũ cũng khiến thủy điện Kà Tinh (Quảng Ngãi) bị sạt lở, vùi lấp 1 tổ máy. Trong khi đó tại Thừa Thiên Huế, 70m bờ biển ở khu vực giáp múi bờ kè An Dương 1 bị sạt lở nghiêm trọng; hiện đã được khắc phục xử lý giờ đầu.

Mưa lớn những ngày qua khiến mực nước các hồ chứa thủy lợi lên cao. Sáng nay (12/10), có tổng số 17 hồ chứa đang được các đơn vị quản lý vận hành thực hiện xả tràn để bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du. Trong đó, khu vực Bắc Bộ: 1 hồ; khu vực Bắc Trung Bộ: 4 hồ; khu vực Nam Trung Bộ: 10 hồ; khu vực Tây Nguyên: 2 hồ.

Liên quan đến tình hình lũ trên các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, thông tin sáng nay (12/10) từ các địa phương cho biết, lũ trên sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Trà Bồng (Quảng Ngãi), sông Vu Gia Thu Bồn (Quảng Nam) đã đạt đỉnh và đang xuống. Mặc dù vậy, ngày 12 - 13/10, lũ trên sông Kôn tiếp tục lên, dao động ở mức báo động (BĐ)2 - BĐ3; lũ trên sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam), các sông ở Quảng Ngãi tiếp tục xuống và ở dưới mức BĐ1.

Tích cực khắc phục hậu quả do mưa lũ tại tỉnh Quảng Nam.
Tích cực khắc phục hậu quả do mưa lũ tại tỉnh Quảng Nam.

Trước ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, 2 ngày qua, các tỉnh khu vực Trung Bộ đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác di dời, sơ tán dân ứng phó với lũ, ngập lụt; Cử lực lượng tuần tra, canh gác tại các khu vực ngầm tràn, đường giao thông bị ngập lụt, sạt lở và dọn dẹp đất đá, khắc phục sạt lở, tìm kiếm người mất tích.

Tại Quảng Ngãi, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác xử lý sạt lở khu vực nhà máy thủy điện Kà Tinh 1, huyện Trà Bồng. Trong khi tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động vật tư, phương tiện và 150 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai để xử lý sạt lở bờ biển ở khu vực giáp múi bờ kè An Dương 1...

Tại cuộc họp giao ban sáng 12/10, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận nhấn mạnh diễn biến mưa lũ tại khu vực Trung Bộ vẫn còn phức tạp. Vùng mưa mở rộng sang các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Chính vì vậy, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan.

Nhiệm vụ trong tâm những ngày tới vẫn là thực hiện nghiêm túc Công điện số 908/CĐ-TTg; 875/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo: Công điện số 31/CĐ-QG, số 516/VPTT và số 517/VPTT của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai. Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra. 

 

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, ngày 12/10, ở khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông. Từ tối và đêm 13/10, mưa to đến rất to có khả năng xuất hiện ở khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.