Thiết kế bìa sách - Chiếc cầu kết nối độc giả với sách

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thị trường sách trăm hoa đua nở, có một góc rất riêng dành cho công việc thiết kế bìa sách. Ngoài chức năng là “chiếc áo” bền chắc bảo vệ cuốn sách, bìa sách ngày nay còn phải là “chiếc áo đẹp” mang tính thời trang, thể hiện hồn cốt và thông điệp của cuốn sách.

Thời trang cho sách

Bìa sách là yếu tố không thể thiếu của bất cứ cuốn sách nào. Ngoài chức năng là “chiếc áo” bền chắc bảo vệ cuốn sách, bìa sách ngày nay còn phải là “chiếc áo đẹp” mang tính thời trang, thể hiện một cách mạnh mẽ hồn cốt và thông điệp của cuốn sách. Thậm chí, có cuốn sách với thiết kế bìa độc và lạ như “tiếng sét ái tình” hấp dẫn độc giả ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Bìa sách đẹp sẽ thu hút đọc giả. Ảnh: Lại Tấn.
Bìa sách đẹp sẽ thu hút đọc giả. Ảnh: Lại Tấn.

Ngay từ xa xưa, khi kỹ thuật in còn thô sơ, bìa sách vẫn luôn là thứ cần đầu tư nhất cả về chất lượng, kỹ thuật và rõ ràng, bìa sách chính là cầu nối bằng ngôn ngữ thị giác chuyển tải những điều thầm kín bên trong cuốn sách tới độc giả. Đây còn là quầy thông tin với tên tác giả, tên sách, NXB và xác định thể loại cuốn sách đó một cách khéo léo. Một tác phẩm bìa sách vừa là sự diễn giải, diễn ngôn, vừa là một bản ngôn ngữ viết chuyển sang ngôn ngữ hình ảnh, hoặc tưởng tượng.

Bìa sách đóng một vai trò quan trọng, đôi khi quyết định đến việc mua sách của độc giả. Chính vì lẽ đó, nhiều đơn vị xuất bản đã không ngần ngại đầu tư cho công đoạn này bằng việc “chiêu mộ” những họa sĩ tài năng. Họa sĩ Ngô Xuân Khôi - NXB Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: "Nếu có hai quyển sách nội dung hoàn toàn giống nhau, nhưng một trong hai cuốn có bìa đẹp hơn chắc chắn độc giả, khách mua sẽ chọn quyển có bìa đẹp. Trước đây, hai nhà sách cùng làm cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”, trong khi nhà sách có mẫu bìa đẹp sách bán đắt hàng. Nhà sách có bìa xấu hơn gần như không bán được. Tiếc khoản vốn lớn đầu tư in bìa cứng hai tập dày, nhà sách có bìa xấu đã chấp nhận bóc bìa cũ, thuê họa sĩ có tay nghề cao làm bộ bìa mới, kết quả vượt mong đợi".

 

Họa sĩ vẽ bìa phải vừa là nhà tâm lý, nhà ngôn ngữ học và nhà văn hóa để có thể giải mã được ngôn ngữ, thông điệp trong tác phẩm. Họ giống như nhà thiết kế thời trang, phải làm sao để sản phẩm sáng tạo của mình phù hợp tâm hồn, vẻ đẹp của đối tượng.

Họa sĩ Lê Tiến Vượng - Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam

Tuy nhiên, một bìa sách không chỉ đẹp là đủ. Hoạ sĩ Ngô Xuân Khôi cho rằng vai trò của bìa sách đang chuyển từ việc chỉ đơn thuần bảo vệ các trang bên trong, sang đảm nhiệm chức năng quảng cáo, đồng thời truyền đạt nội dung cuốn sách. Vì vậy, các nhà thiết kế vẫn đang cố gắng đẩy thiết kế đến giới hạn của nó với hy vọng thu hút được doanh số nhiều hơn. Bìa sách đang đứng giữa ranh giới mong manh của một bên là nghệ thuật, là thẩm mỹ và bên kia là thương mại, là doanh thu. Đòi hỏi sự hài hòa giữa hai yếu tố này cũng là rất chính đáng.

Hướng tới chuyên nghiệp

Nghệ thuật thiết kế bìa sách Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong thời gian qua, từ thô sơ đến hiện đại, từ tối giản đến phức tạp, với nhiều phong cách và kỹ thuật thể hiện được phô diễn trên những trang bìa các thể loại.

Tuy nhiên, theo Hoạ sĩ Lê Tiến Vượng: Việc thiết kế và sáng tạo bìa sách ở nước ta vẫn đang chập chững trên con đường chuyên nghiệp hóa. Nhiều NXB thiếu vắng họa sĩ chuyên làm bìa nên phải trông chờ vào đội ngũ họa sĩ là cộng tác viên. Nhiều biên tập viên của XNB cũng tự đặt họa sĩ, người quen để làm bìa mà không rõ sở trường, đặc tính sáng tạo của người họa sĩ ấy có phù hợp với việc thiết kế bìa sách của mình hay không. Thực tế cho thấy, có những họa sĩ chỉ phù hợp với sáng tạo bìa sách cho thiếu nhi mà không phù hợp với việc thiết kế bìa sách triết học hay kinh tế. Cũng có tình trạng người làm biên tập hoặc đơn vị xuất bản còn đơn giản hóa, coi bìa sách chỉ là một cái bìa nên dễ dãi, chấp nhận cả những bìa sách qua loa, thiếu sáng tạo.

Họa sĩ Tạ Lựu, người đã vẽ hàng nghìn minh họa thiếu nhi đẹp mê mẩn nhưng ông thú thật là rất sợ làm bìa sách. Nhiều lần NXB Kim Đồng đặt hàng, ông đành tìm lý do từ chối vì cảm thấy không tự tin khi sáng tạo bìa sách. Ông thổ lộ, vẽ minh họa thì phóng bút thoải mái, tung tẩy trên trang giấy, trang báo, nhưng khi thiết kế bìa thì cần phải suy đi tính lại, đắn đo. Vì một trang bìa yêu cầu cao hơn nhiều, vẽ cho một trang sách hay trang báo chỉ cần quan tâm chi tiết câu chuyện trong trang báo, trang sách đó, còn làm trang bìa là phải cô đọng hóa, biểu tượng hóa cả một cuốn sách, điều này đôi khi quá sức với mình.