Diễn ra từ ngày 7 đến 20/11, chương trình dự kiến bao gồm các tour khám phá văn hóa, tọa đàm, hội thảo, workshop, triển lãm và nhiều hoạt động trực tuyến, bàn luận về tầm nhìn, xu hướng, bản sắc văn hóa và cơ hội tương lai cho các ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam. Phần lớn sự kiện sẽ mở cửa miễn phí.
GS Julia Gaimster - Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT nhận định: “Chúng ta đã và đang chứng kiến những thay đổi lớn trên toàn cầu do đại dịch Covid-19 tạo ra, từ cách mọi người làm việc, cách họ kết nối và giao tiếp, đến định hướng ưu tiên của họ cho tương lai”.
“Chúng tôi mong muốn liên hoan sẽ duy trì bền vững trong tương lai, để tiếp tục tạo ra ảnh hưởng và hỗ trợ ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, đồng thời mang đến cơ hội để đông đảo khán giả có thể tham gia và hiểu được giá trị của sáng tạo trong mọi khía cạnh của cuộc sống” - GS Gaimster cho hay.
Theo BTC, sân chơi này đang diễn ra theo mô hình ghép đôi giữa hai cá nhân, nhóm, tổ chức hoặc DN hoạt động trong ít nhất hai lĩnh vực sáng tạo khác nhau.
Mỗi cặp lọt vào Chung kết sẽ nhận được một khoản kinh phí trị giá 50 triệu đồng và hỗ trợ chuyên môn từ BTC để cùng lên ý tưởng và sản xuất mẫu sản phẩm hoặc dịch vụ văn hoá và sáng tạo. Các mẫu sản phẩm, dịch vụ này sẽ được trưng bày trong tuần lễ liên hoan ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào tháng 11/2022.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) cho biết: Sân chơi này về bản chất là mô hình thúc đẩy tính kết nối liên ngành trong thực hành sáng tạo nhằm hình thành nên những ý tưởng thể hiện được chủ đề là "Thay đổi để phát triển bền vững”.
Được khởi xướng từ năm 2019, VFCD đã góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác và dự án giữa các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực văn hóa - sáng tạo Việt Nam suốt 3 năm qua. Bằng cách tổ chức chuỗi hoạt động sáng tạo mở cửa cho tất cả mọi người, VFCD là chất xúc tác hỗ trợ thực hiện các mục tiêu chiến lược thuộc chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Đồng thời, liên hoan góp phần đặt nền móng cho việc thiết lập một “vành đai sáng tạo” trải dài khắp đất nước qua việc mở rộng mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO tại Việt Nam.