Thiếu cái nhìn thẳng và thật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ VHTT&DL vừa gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nhanh kết quả triển khai thực hiện Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 14/1/2012 và Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 9/2/2012 của Thủ tướng về công tác tổ chức, quản lý lễ hội tại các địa phương.

 Theo nội dung báo cáo, lễ hội năm nay: An toàn, hiệu quả, hiện tượng đốt vàng mà giảm đáng kể… Thế nhưng, những câu chuyện ngoài lễ hội với hàng loạt hình ảnh phản cảm lại nằm ngoài báo cáo của Bộ.

Bức tranh đẹp từ báo cáo              

Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, các lễ hội năm nay thu hút đông khách thập phương về tham dự. Công tác tổ chức lễ hội đã được triển khai tốt hơn, góp phần đáp ứng nhu cầu của người đi lễ. Tại các lễ hội, đặc biệt là những lễ hội lớn như Yên Tử, đền Trần, chùa Hương… công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức được đẩy mạnh. Nhiều lễ hội có trang web nêu rõ ý nghĩa của lễ hội, giá trị của di tích... Các cơ quan truyền thông cũng đã tuyên truyền, phản ánh những nét đẹp văn hoá truyền thống, phát huy giá trị văn hoá phi vật thể của lễ hội.  Đáng chú ý, Ban tổ chức (BTC) các lễ hội đã có các phương án đảm bảo an ninh trật tự, giải toả lều quán lấn chiếm, sắp xếp hàng quán khoa học, xây dựng các bến bãi đỗ xe, tổ chức trông giữ phương tiện cho khách, đảm bảo giao thông, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế trong lễ hội, hạn chế tối đa tình trạng ách tắc giao thông, không có lễ hội nào xảy ra tai nạn, cháy nổ.

Báo cáo cũng đánh giá cao đề án tổ chức lễ Khai ấn tại đền Trần (Nam Định). Lễ Khai ấn đã được thực hiện nghiêm túc, an toàn, không tổ chức phát ấn trong đêm 14 tháng Giêng. Mặt khác, người dân tham gia lễ hội đã tự giác chấp hành các quy định của BTC, nếp sống văn minh thực hiện trong các lễ hội tiến bộ hơn các năm trước. Giá cả dịch vụ được quản lý, giảm thiểu việc tăng giá tuỳ tiện, thương mại hoá lễ hội. BTC các lễ hội đã hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ đúng nơi, đúng chỗ, bố trí lực lượng thu gom kịp thời; chấn chỉnh việc nhân danh xã hội hoá lễ hội nhằm mục đích tư lợi.

Những chuyện bên lề…

Nếu chỉ nhìn vào báo cáo, mấy nghìn lễ hội lớn bé được tổ chức ở khắp các tỉnh, thành trong tháng Giêng năm Nhâm Thìn đã diễn ra trong cảnh trật tự, không tệ nạn, mang lại giá trị văn hóa tinh thần phù hợp với giá trị văn hóa truyền thống. Thế nhưng, nạn xóc thẻ, cờ bạc diễn ra ở đền Trình chùa Hương (Hà Nội), hội Lim (Bắc Ninh); hay nạn đặt tiền nhận ấn ở đền Trần (Nam Định); đốt vàng mã nghi ngút và công khai ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); chen nhau đến nghẹt thở, tắc đường dài vài cây số ở đền Mẫu (Lạng Sơn)… là những câu chuyện không nằm trong báo cáo của Bộ gửi Thủ tướng Chính phủ.

Cho dù, trong cuộc họp thường niên mới đây của Bộ, Chánh Văn phòng Tô Văn Động thừa nhận: "Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác tổ chức lễ hội 2012 vẫn còn một số tồn tại như tình trạng đặt nhiều hòm công đức; hiện tượng đặt tiền lễ không đúng quy định; vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa đảm bảo, kinh doanh các trò chơi mang tính chất cờ bạc trá hình, xóc thẻ, xem bói, ăn xin… còn diễn ra ở một số lễ hội". Hoặc giải đáp thắc mắc xung quanh những đánh giá của Bộ về sự thành công hay thất bại của đề án tổ chức lễ hội đền Trần (Nam Định) 2012, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ cho biết: "Vì là năm đầu tiên triển khai tổ chức theo đề án mới nên một số vấn đề nảy sinh đã chưa được lường hết, điển hình như việc không đủ lượng ấn để phát hết tháng Giêng như nội dung đề án đã đưa ra. Vấn đề này cũng cần có những nhìn nhận, đánh giá khách quan để rút kinh nghiệm. Tới đây, cần có những tính toán kỹ lưỡng, khoa học trên cơ sở thực tế của mùa lễ hội 2012, để có những điều chỉnh thích hợp cho việc tổ chức lễ hội đền Trần (Nam Định) năm tới, góp phần đáp ứng nhu cầu của người đi lễ".

Lễ hội là nơi tập hợp số đông, khó tránh khỏi phát sinh những mặt trái. Tuy nhiên, Bộ VHTT&DL trong quá trình đánh giá về thành quả cũng như hạn chế cũng cần có góc nhìn thẳng và thật để có phương án tốt hơn cho kế hoạch quy hoạch lễ hội trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần