Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu chế tài trong xử lý hành chính

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 7/2013, Luật xử lý vi phạm hành chính (VPHC) có hiệu lực thi hành. Sau hơn 4 năm thực hiện, việc xử phạt đã dần đi vào nền nếp, song trên thực tế vẫn nổi lên một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Bất cập xử lý tang vật
Trung tá Nguyễn Đại Dũng – Phó Trưởng phòng Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Công an TP Hà Nội) cho biết, hiện nay còn khá nhiều bất cập trong xử lý VPHC về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Theo quy định của Luật Xử lý VPHC, người có thẩm quyền tịch thu (hay xử phạt) tang vật, phương tiện vi phạm thì có quyền tạm giữ những phương tiện, tang vật đó. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND cấp huyện và Giám đốc công an cấp tỉnh chỉ có thể xử phạt tối đa không quá 50 triệu đồng. Chính vì vậy, việc lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ gặp khó khi áp dụng cho những trường hợp vi phạm là tài sản có giá trị lớn. Đơn cử, rất khó khăn, lúng túng trong việc tạm giữ tang vật, phương tiện là ô tô có giá trị vượt quá 50 triệu đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra tàu hút cát trái phép trên sông Hồng. Ảnh:  Nguyễn Quỳnh

Đối với lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, nơi tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ, tịch thu ở ngoài trời phải bố trí mái che hoặc phương tiện chống mưa nắng khác… Trong thực tế, địa điểm tạm giữ các tang vật, phương tiện VPHC của Phòng Cảnh sát đường thủy chủ yếu là thuyền và các vật dụng liên quan có khối lượng và kích thước lớn và chưa được bố trí kho chứa. Vì vậy, khó có thể đảm bảo theo điều kiện nêu trên. Một bất cập khác gây khó cho cơ quan xử lý VPHC là quy định về trách nhiệm trong thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện có dấu hiệu VPHC. Thời hạn tạm giữ tang vật VPHC có thể kéo dài nhiều ngày với những vụ việc phức tạp để tiến hành xác minh. Tuy nhiên, nếu tạm giữ tang vật là những vật phẩm dễ hư hỏng hoặc các loại thuốc y tế sẽ gặp nhiều khó khăn. Thực tế, cơ quan có thẩm quyền thường cân nhắc trong việc xử lý VPHC, hậu quả là việc áp dụng luật pháp chưa nghiêm.

Vai trò cấp cơ sở bị hạn chế

“Xử lý VPHC trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc khi thực hiện trong thực tế” - ông Trần Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin. Cụ thể, nhiều quy định của Luật Xây dựng năm 2014 chưa có chế tài tương ứng để xử lý. Đơn cử, trường hợp chủ đầu tư vi phạm không mua bảo hiểm công trình, nhưng chưa có chế tài xử lý VPHC. Mặc khác, thẩm quyền xử phạt của chủ tịch cấp xã, phường và thanh tra viên lần lượt tối đa là 5 triệu đồng và 500.000 đồng đối với cá nhân vi phạm. Mức quy định thấp như vậy đã làm hạn chế vai trò của họ. Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng, các hành vi vi phạm phổ biến như không phép, sai phép, sai quy hoạch… tại các quận nội thành đều vượt thẩm quyền xử phạt của chủ tịch cấp phường. Với thanh tra viên cũng gặp khó khăn tương tự. Điều này làm giảm đáng kể vai trò của UBND cấp phường, tăng áp lực của UBND cấp quận và ảnh hưởng tính kịp thời trong xử lý VPHC.

Biện pháp ngăn chặn kịp thời vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang vấp phải những hạn chế nhất định. Theo đó, công trình vi phạm trật tự xây dựng sau khi có biên bản VPHC, chủ đầu tư không chấp hành sẽ bị đình chỉ thi công bằng quyết định hành chính của người có thẩm quyền. Việc đình chỉ trước đây bằng các biện pháp như cấm người và phương tiện vào thi công, ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm đã hạn chế tình trạng vi phạm tiếp diễn ở mức độ, quy mô cao hơn. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đã hạn chế áp dụng. Do vậy, lực lượng chức năng không duy trì được việc cấm người và phương tiện trong một khoảng thời gian dài vì việc đình chỉ thi công đôi khi không đạt hiệu quả...

Từ những vướng mắc trong thực tế, các sở, ngành mong muốn có thêm các nghị định, văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao việc thi hành Luật Xử lý VPHC trong thời gian tới.