Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu chính sách cụ thể, doanh nghiệp gặp khó về thuế

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/11, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Viện Tài chính và Phát triển Châu Á - Thái Bình Dương đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ”.

 PGS.TS Hoàng Trần Hậu - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính chia sẻ tại Hội thảo. 
PGS.TS Hoàng Trần Hậu - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Bộ Tài chính cho biết, DN siêu nhỏ là DN có quy mô nhỏ bé về mặt vốn, lao động hay doanh thu. Theo thống kê tại Việt Nam, ngoại trừ những DN siêu nhỏ, không thể không nhắc đến hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, có 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ đang sản xuất nhỏ lẻ; giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 triệu lao động.
Trong nhiều năm tới, khối DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn là một trong những động cơ chạy chính cho nền kinh tế Việt Nam. Song, các DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn phải tự vận động và liên kết để hợp tác kinh doanh, thiếu vắng vai trò rõ nét của chính sách nhà nước.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính cùng với các cơ quan chức năng khác đã và đang nghiên cứu, soạn thảo và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ”. Tính hiệu lực của các văn bản đã chỉ dẫn cho các cơ quan thực thi chính sách trong công tác quản lý của mình đối với các DN, các hộ kinh doanh cá thể trong nước.

Tuy nhiên, có một số bất cập đã bộc lộ trong công tác triển khai. Trong quá trình hội nhập, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc, chính sách bảo hộ của các quốc gia, sự phức tạp trong chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế, sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đã và đang làm khó cho DN Việt Nam nói chung, DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể nói riêng mà trong đó chính sách hỗ trợ về thuế, và tiếp cận nguồn vốn là một trong những vướng mắc mà DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể đang gặp phải.

TS. Võ Trí Thành thì cho rằng, một trong những khó khăn nhất với loại hình này là khó tiếp cận với các nguồn lực phát triển. Nguyên nhân là đặc thù không có quan hệ và tài sản thế chấp, khả năng tiếp cận thị trường và nguồn thông tin, tiếp cận với cơ quan Nhà nước, công nghệ bao gồm công nghệ quản lý, kinh doanh và công nghệ thông tin, năng lực quản lý chưa hiệu quả do hạn chế về trình độ quản lý...

“Đối với các hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam hiện nay, nguồn vốn kinh doanh chủ yếu dựa vào lợi nhuận để lại (nếu có) và tín dụng chủ yếu huy động từ bạn bè, người thân. Việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng cho các hộ kinh doanh cá thể đang còn rất nhiều bất cập do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Võ Trí Thành, pháp luật hiện hành quy định hộ kinh doanh cá thể không hoàn toàn là thương nhân thể nhân, không có tư cách pháp nhân nên gây khó khăn trong chế độ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh cá thể phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, kể cả tài sản không đưa vào kinh doanh. So với các loại hình DN khác như công ty TNHH hay công ty cổ phần chỉ chịu TNHH hay DN tư nhân chỉ chịu trách nhiệm trên phần tài sản đưa vào kinh doanh thì điều này là một bất cập không nhỏ.

Vì không có tư cách pháp nhân lại không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, trong khi đó tài sản giá trị nhất là đất ở sổ đỏ nên các hộ kinh doanh cá thể rất khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Nếu có vay được thì số lượng vay cũng không nhiều và thời hạn vay cũng rất ngắn.

Do đó, các đại biểu cho rằng, cần có chính ưu đãi thuế cụ thể hơn để hỗ trợ DN, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN: áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN; miễn giảm thuế có thời hạn cho DN khởi nghiệp; áp dụng hình thức khấu trừ thuế đầu tư; đơn giản hoá và tăng hiệu lực quản lý thuế và các hỗ trợ khác với DN.