Thiếu cơ quan lo về dinh dưỡng và thể dục trường học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/2, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri chuyên đề về phát triển thể lực, tầm vóc thế hệ trẻ Việt Nam với sự tham gia của các trí thức, nhân sĩ, cử tri hoạt động trong lĩnh vực thể dục, thể thao (TDTT)...

Trao đổi tại cuộc tiếp xúc, GS. TS Dương Nghiệp Chí - Viện Khoa học TDTT khẳng định, chiều cao thân thể nam, nữ thanh niên Việt Nam sau 14 năm tăng khoảng 1,5cm, đạt ngưỡng bình thường của thế giới. Cùng với đó, các tố chất sức bền, sức mạnh, sức nhanh của nam, nữ thanh niên đều sút kém sau 14 năm, nhìn tổng thể, thể lực và tầm vóc thanh niên Việt Nam thua kém xa Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Thực trạng này do rất nhiều nguyên nhân như điều kiện kinh tế - xã hội, dinh dưỡng, vận động, môi trường. Đại đa số học sinh không được sự tác động đồng thời về chăm sóc dinh dưỡng đúng cách và luyện tập thể thao vừa sức. Trong khi đó, từ năm 1950, Nhật Bản đã coi dinh dưỡng và TDTT như hai bánh xe đưa "cỗ xe cơ thể" người phát triển.

 TS Ngũ Duy Anh (Bộ GD&ĐT) nhận xét: Hiện tượng thấp bé, nhẹ cân của người Việt Nam không phải do di truyền, việc phát triển thể lực và tầm vóc thế hệ trẻ cần có những định hướng cụ thể trong thời gian tới đây. Do đó, đề nghị xây dựng chương trình giáo dục thể chất theo hướng tổ chức hoạt động nâng cao kỹ năng luyện tập đối với từng cấp bậc học. Ngoài ra, cần bổ sung đội ngũ giáo viên TDTT đủ về số lượng, đáp ứng chất lượng chuyên môn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dung cụ tập luyện; xây dựng bộ tiêu chí kiểm tra đánh giá giáo dục thể chất và thể thao trong các cơ sở GD&ĐT.

 Nhiều ý kiến cũng cho rằng, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 (Đề án 641). Việc thành lập Ban điều phối Đề án, nghiệm thu 4 chương trình thành phần của Đề án; chương trình chăm sóc dinh dưỡng; khảo sát thực trạng thể thao ở 6% tổng số trường học trong toàn quốc. Song đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án 641, như vậy, không có tiền của Nhà nước chi cho nghiên cứu, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Ở cấp T.Ư, công tác quản lý cũng có những điểm bất cập khi cơ quan quản lý Nhà nước về TDTT không gắn kết với cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và không có tổ chức chuyên trách về TDTT trường học. Sự khập khiễng về tổ chức, khiến cho không cơ quan Nhà nước nào chuyên lo về dinh dưỡng và TDTT trường học. Từ đó, các ý kiến cho rằng, Quốc hội và các cơ quan chức năng cần có sự xem xét, điều chỉnh cho phù hợp để giúp nâng cao tầm vóc và thể lực của thế hệ trẻ.