Thiếu công cụ hỗ trợ thực thi quyền tác giả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nổi lên trong Diễn đàn bản quyền tác giả Việt Nam vừa diễn ra (do Cục Bản quyền tác giả và Văn phòng đại diện Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội) là vấn đề vi phạm bản quyền trong môi trường internet.

Khi môi trường kỹ thuật số phát triển một cách nhanh chóng, điều kiện cho sáng tạo, sử dụng thuận lợi hơn, song vi phạm về bản quyền cũng dễ dàng hơn.
Phần thông tin bản quyền trên trang web của Youtube.
Phần thông tin bản quyền trên trang web của Youtube.
Thời gian qua, Hàn Quốc đã giúp Việt Nam đào tạo, xây dựng chính sách, thực thi chính sách, kể cả việc học tập kinh nghiệm để có thể quản lý môi trường internet. Thế nhưng, trong khi Hàn Quốc hiện nay có những cơ chế đặc thù, thì các cơ quan quản lý Việt Nam vẫn đang trong quá trình nghiên cứu những mô hình. Bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền thừa nhận: Hiện nay, vấn đề vi phạm bản quyền còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Thực tế còn những bất cập trong quá trình thực thi, điển hình như nhiều đơn vị chưa chủ động phát hiện vi phạm, yêu cầu các bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm. Nhiều đơn vị vi phạm chưa xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường theo các cơ chế. Bản thân các cơ quan quản lý, thực thi vẫn thiếu về nhân lực, nguồn lực dẫn đến những bất cập trong quản lý.

Những vướng mắc không chỉ đọng trên văn bản, mà ngay trong những sự việc “người thật, việc thật” cũng ngổn ngang bất cập. Theo ông Trương Xuân Thanh – Phó Chủ tịch BHD Việt Nam: Vi phạm bản quyền là hành vi ăn cắp trí tuệ và tài sản của các chủ sở hữu, phải bị ngăn chặn và trừng phạt. Song đáng tiếc tại Việt Nam, vi phạm bản quyền vẫn phổ biến do chưa đặt vấn đề này đúng tầm, chưa có những chiến dịch tuyên truyền đủ độ sâu và có sức lan tỏa trong cộng đồng. Vì vậy, vi phạm bản quyền còn đồng nghĩa với việc người ta đang sử dụng “của chùa”. Ông Thành không giấu, BHD đang là nạn nhân của hành vi vi phạm bản quyền với số lượng lớn sản phẩm có bản quyền của Công ty đang lưu hành ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Thời gian qua, BHD đã phối hợp với đại diện các trang mạng xã hội như Youtube, Google… tiến hành các biện pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền trên mạng xã hội. Tuy nhiên, “người trong cuộc” cũng thấy nan giải, bởi với Facebook và Google thì việc phát tán các sản phẩm vô cùng khó ngăn chặn. Mà việc hợp tác cũng phức tạp và mất thời gian, bản thân Công ty phải tự tìm những địa chỉ, đường dẫn có hành vi vi phạm – có thể gọi là thách thức lớn cho nhân viên phụ trách lĩnh vực này. Hàng ngày, họ phải rà soát bằng tay để xác định những trang web dùng tác phẩm của BHD mà không mua bản quyền. Sau đó, gửi email tới các địa chỉ đó với lời đề nghị nhã nhặn “không ăn cắp bản quyền của tôi”. Nghĩa là mới có thể đi tìm được các hành vi vi phạm mà không tìm được và chỉ đích danh người vi phạm.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng cho biết: “Kho tác phẩm của Trung tâm được ủy quyền lên tới 127.000 nhạc phẩm được đăng ký trên mạng Mis@Asia và CIS - NET với mã số ISWC toàn cầu. Năm 2015, số tiền mà Trung tâm nhập liệu phân phối, chi trả cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm là hơn 62 tỷ đồng. Tuy vậy, Trung tâm cũng đang gặp khó khăn lớn là thiếu phần mềm để tác nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh truyền hình, nhạc số, hoạt động lưu trữ, phân phối cho các thành viên.

Có thể thấy, các chế tài xử phạt vi phạm bản quyền còn quá nhẹ cũng là một lý do khiến vi phạm bản quyền như một căn bệnh “nhờn thuốc”. Bên cạnh nỗ lực cải tiến cái nhìn của tác giả, cộng đồng về vấn đề bản quyền, đúng như ông Thanh đề xuất: “Trước hết, chúng ta cần có những công cụ để có thể ngăn chặn kịp thời, trên cơ sở đó chuyển cho các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Nếu cần thiết có thể lấy đây làm chứng cứ để kiện ra tòa và nếu cần đòi bồi thường thiệt hại cho các công ty bị hại”.