Thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động vay qua app

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về các vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Nhiều DN vừa và nhỏ gặp khó trong vay vốn tại các ngân hàng

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn tỉnh Thái Bình) khẳng định, doanh nghiệp cảm ơn sự chia sẻ của Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy vậy, vẫn còn một số băn khoăn muốn đề cập. Thứ nhất là về vấn đề lãi suất cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ vẫn cho rằng lãi suất hiện vẫn cao nên việc tiệm cận với nguồn vay vẫn còn khó khăn? Thứ hai là chính sách 2% ngân sách nhà nước hỗ trợ ngành ngân hàng để bù đắp lãi suất cho doanh nghiệp hiện nay đang triển khai đến đâu.

Đối với vấn đề tín dụng, lãi suất của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc điều hành lãi suất, giảm lãi suất để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ được Ngân hàng Nhà nước quan tâm. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống, có các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực lớn từ bên ngoài, khi lạm phát tăng trên toàn cầu. Ở các nước, lãi suất tăng lên rất nhiều, trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung cầu vốn. Trong những tháng qua, tín dụng tăng ở mức khá cao, tuy áp lực lớn nhưng Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản điều tiết, ổn định được mặt bằng lãi suất so với cùng kỳ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn tỉnh Bắc Giang) có 02 câu hỏi dành cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thứ nhất, Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội có yêu cầu chính sách tiền tệ phải phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 đến 1% trong 2 năm 2022-2023. Tuy nhiên, đến nay đã quá nửa năm đầu của năm 2022, đề nghị Thống đốc cho biết việc thực hiện nhiệm vụ nói trên đến nay ra sao? Giải pháp để ngân hàng thực hiện thành công mục tiêu của Quốc hội đề ra như thế nào? Thứ hai, việc xử lý các ngân hàng thương mại 0 đồng trong thời gian qua chưa đạt yêu cầu đề ra, giẫm chân tại chỗ và đề nghị Thống đốc cho biết lý do của sự chậm trễ này. Biện pháp nào để giải quyết căn bản vấn đề này đảm bảo quyền, lợi ích của các khách hàng và an toàn hệ thống tín dụng quốc gia trong thời gian tới?

Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn tỉnh Bắc Giang)
Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn tỉnh Bắc Giang)

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Nghị quyết 43/2022-QH15 đưa ra quan điểm và mục tiêu là cần giảm mức lãi suất, thực hiện phục hồi kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước điều hành trên cơ sở tổng thể, phối hợp các công cụ điều hành để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí trong hoạt động, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều hạn chế trong điều kiện tài chính, khả năng quản trị… nên độ xếp hạng tín nhiệm không cao, gặp khó khăn trong vay vốn tại các ngân hàng, dễ phải chịu mức lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân.

Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, có nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nhà nước ta đã đưa ra các giải pháp chính sách như ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đã ra các nghị định, có các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, trong thời gian tới sẽ tiến hành tổng kết hoạt động của quỹ, trên cơ sở đó tạo điều kiện rộng mở hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hoàn thiện và ban hành khung pháp lý cho hoạt động vay qua app

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc, tại Báo cáo số 174 ngày 11/5/2022 của Chính phủ đã đề cập nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

"Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nếu được Quốc hội thông qua cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 42 như Chính phủ thì chúng ta có xử lý nợ xấu được dứt điểm hay không và có giải quyết được triệt để các vấn đề vướng mắc, hạn chế đang diễn ra để đảm bảo hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết hay không?"- đại biểu nêu

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn TP Hà Nội) chất vấn
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn TP Hà Nội) chất vấn

Đại biểu cũng đưa ra vấn đề, hiện nay người dân dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua trang Web hoặc vay App mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending). Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hành lang pháp lý của hoạt động và quản lý việc cho vay ngân hàng ngang hàng mà người dân chỉ biết đến và gọi chung là vay qua App. "Thời gian vừa qua Công an Thành phố Hà Nội đã khám phá án một vụ án vay qua App lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho Nhân dân"- đại biểu nói.

Trả lời câu hỏi đại biểu Phạm Thị Thanh Mai về hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới; trong đó, có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending). Tuy nhiên việc thiếu một hành lang pháp lý cho hoạt động này đã gây ra nhiều vấn đề.

Về lý thuyết, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên trên thực tiễn, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội. 

Về nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng nhà nước đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát vấn đề này. Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.