Thiếu hụt lao động trầm trọng, doanh nghiệp mở các đợt tuyển dụng lớn

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Do thiếu nhiều lao động nên có những DN quay trở lại sản xuất mới đạt được 60 – 70%. Nhiều DN tiếp tục mở những đợt tuyển dụng lớn để khôi phục lại chuỗi lao động bị đứt gãy.

Trên 60% DN khôi phục sản xuất kinh doanh
Ngày 22/10, Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức tọa đàm khoa học “Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội”, với sự chủ trì của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TS. Trương Anh Dũng.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng vô cùng lớn đến hoạt động sản xuất của ngành Điện tử, thiếu hụt lao động lên tới 55,6%. Theo báo cáo của các DN điện tử ở khu vực phía Nam, đến ngày 21/10, lực lượng lao động quan trở lại sản xuất mới đạt được 60 – 70%.
 Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho rằng, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, kinh tế bắt đầu hồi phục, DN thực hiện việc tăng tốc sản xuất, kinh doanh sẽ dẫn đến việc tăng cao nhu cầu lao động, thiếu hụt lao động cũng có thể xảy ra.
Hiện nay ngành Điện tử vẫn đang có lợi thế bởi các hiệp định thương mại tự do mới ký, cũng như xu hướng bảo hộ tiếp tục gia tăng...Điều này thể hiện rõ ở quý 4/2020 và đặc biệt là quý 1/2021 khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, làn sóng đầu tư của FDI vào ngành điện tử gia tăng. Từ thực tế này, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, cần phải sẵn sàng nguồn nhân lực lao động để cung ứng cho ngành Điện tử hiện giờ đang thiếu. “Samsung đang mở những đợt tuyển rất lớn, từ sinh viên trường Bách khoa đến những trường công nghệ khác nhưng sau khi sơ tuyển vẫn phải đào tạo tiếp mới có thể làm được việc” – bà Đỗ Thị Thúy Hương thông tin.
Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, đợt dịch Covid-19 vừa rồi các DN gặp rất nhiều khó khăn. Với hơn 2 triệu NLĐ bị ngừng việc và giảm việc làm nên tỷ lệ lao động tham gia sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giảm xuống còn khoảng 55% khiến đình trệ sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP tương đối lớn.
Ông Đỗ Minh Sự cũng thông tin về việc, ngay sau khi chấm dứt giãn cách, ngành LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh thống kê có trên 60% DN bắt đầu khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Trên 100 DN có nhu cầu tuyển dụng khoảng 9.000 lao động, đa dạng các ngành nghề. Đặc biệt, các DN hoạt động sản xuất ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có nhu cầu tuyển dụng lớn để đáp ứng nguồn sản lượng cho 3 tháng cuối năm 2021.
“Dự kiến, quý 4/2021, các DN ở TP Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển dụng 60.000 lao động; tập trung khoảng 95% DN ngoài nhà nước; 4% DN có vốn đầu tư nước ngoài; trong lĩnh vực thương mại điện tử khoảng 78%. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động là may mặc, da giày, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo, điện tử, bao bì, giao thông vận tải” – ông Đỗ Minh Sự cho hay.
Nhiều giải pháp thu hút người lao động quay trở lại làm việc
Nhằm thu hút NLĐ quay trở lại DN làm việc, TP Hồ Chí Minh đã đề ra những giải pháp trọng tâm. Ông Đỗ Minh Sự cho biết, về giải pháp mang tính lâu dài, TP đang chuẩn bị kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân có thu nhập thấp để giải quyết nhu cầu về nhà ở.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh dự kiến chương trình hỗ trợ đưa đón NLĐ di chuyển an toàn khi DN mời họ trở lại làm việc và phải đảm bảo cho họ tiêm xong 1 mũi vaccine. Để làm việc này, rất cần có khảo sát cụ thể, đến từng DN cần đưa đón bao nhiêu NLĐ, sau đó xây dựng chương trình cụ thể.
Cùng với đó, là có cơ chế hỗ trợ cho DN thực hiện môi trường làm việc an toàn. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch và hoạt động trở lại. Dựa trên bộ tiêu chí của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng bộ tiêu chí an toàn cho các trường học để học sinh quay trở lại trường được trực tiếp thực tập nghề.
TP Hồ Chí Minh đưa ra những giải pháp trọng tâm nhằm thu hút người lao động quay trở lại DN làm việc. Trong ảnh, người lao động Tổng Công ty may 10 đang làm việc. Ảnh: Khắc Kiên.
Một giải pháp tiếp theo của TP Hồ Chí Minh đề ra là tổ chức cung ứng lao động mang tính chất liên kết vùng thông qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL). Trung tâm DVVL của các tỉnh, TP liên kết lại để dự báo nhu cầu thật của các DN trên địa bàn, của những địa phương lân cận như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước...
“Thời điểm này, các cơ sở GDNN của TP Hồ Chí Minh đã bổ sung cho thị trường lao động TP khoảng 6.000 người. Từ nay đến cuối năm 2021, sẽ có khoảng 130.000 em tốt nghiệp ra trường là nguồn lực để cung ứng cho thị trường lao động của TP giúp các DN khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế” – ông Đỗ Minh Sự cho hay.
Đồng thời, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ thu hút NLĐ quay trở lại các tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, bằng hỗ trợ kinh phí thuê nhà, chi phí vận chuyển, chi phí xét nghiệm tầm soát Covid-19; chỉ đạo các tỉnh, thành bị đại dịch hỗ trợ ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 đủ 2 mũi cho những NLĐ quay trở lại làm việc