Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu hụt lao động vẫn diễn ra ở nhiều lĩnh vực

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những vấn đề đáng chú ý hiện nay đó chính là thiếu hụt lao động cục bộ đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Để khôi phục sản xuất, kinh doanh, điểm nghẽn lớn nhất là chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Ước thiếu 120.000 lao động từ nay đến cuối năm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội – TS Lâm Văn Đoan, nhấn mạnh, trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay cần quan tâm đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt là tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực.

Thiếu hụt lao động ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế. Ảnh minh hoạ
Thiếu hụt lao động ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế. Ảnh minh hoạ

Tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, cục bộ tập trung vào các doanh nghiệp có “thâm dụng lao động” trong ngành dệt may, da giày… gắn với nhu cầu các đơn hàng tăng. Tuy nhiên, mức lương còn thấp, điều kiện lao động chưa cao, thời gian làm việc dài khiến các doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động, ước thiếu 120.000 lao động từ nay đến cuối năm.

Theo các chuyên gia, một mặt, việc thiếu hụt lao động là do nhiều ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19 và mặt khác là do hệ quả của những xu thế tiềm ẩn trong thị trường lao động - việc làm mà đại dịch toàn cầu đã đẩy nhanh hơn, làm trầm trọng hơn.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trước hết dưới góc độ xã hội, tâm lý người dân lo lắng dịch bệnh vẫn chưa thực sự được kiểm soát dẫn đến việc lao động chưa muốn quay lại đi làm ngay. Do vậy, họ vẫn trú ẩn ở các khu vực an toàn tại các vùng nông thôn, sống cùng gia đình với chi phí sinh hoạt thấp hơn khi ở thành thị, tiết kiệm chi tiêu.

Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, cũng có nguyên nhân là người dân vẫn nhận được những chính sách hỗ trợ lao động của Chính phủ cho đến thời điểm này. Chẳng hạn, các gói hỗ trợ nhà ở, trợ cấp thu nhập cho người lao động vẫn đang được triển khai, hoặc vừa mới kết thúc như việc thực hiện Nghị quyết 03 và Nghị quyết 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Vì vậy, người lao động có ít động lực để quay lại đảm nhiệm những công việc trước đó với mức lương chưa đủ hấp dẫn, chi phí sinh hoạt tăng cao tại đô thị. Đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn.

Ngoài ra, theo các đại biểu, một trong những lý do người lao động hồi hương trong đại dịch vì an sinh xã hội chưa được bảo đảm, bao gồm cả vấn đề nhà ở. Chính sách về nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho người lao động nói riêng đã được đề cập rất nhiều, tuy nhiên, Chính phủ cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để người lao động sớm được an cư và lập nghiệp.

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, đại dịch Covid-19 vừa qua chính là một phép thử cho thị trường lao động Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại hệ thống pháp luật và phương thức điều hành của đất nước chúng ta, thể hiện qua 5 vấn đề.

Một là, đại dịch làm đứt gãy thị trường lao động và quan trọng là dẫn đến sự thiếu hụt cục bộ lao động. Nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề lao động thì sẽ giúp kết nối lao động rất tốt.

Hai là, thể hiện sự thiếu kết nối và sự liên thông của các vùng, miền trong nước.

Ba là, khả năng thích ứng và xử lý rủi ro của chúng ta còn chậm và hiệu quả chưa cao, độ bao phủ thấp. Qua đại dịch, người lao động có khả năng tích lũy thu nhập rất thấp, không có việc làm là khó khăn ngay.

Bốn là, hệ thống pháp luật có nhiều chính sách cứng nhắc, thiếu linh hoạt, dẫn đến khả năng xử lý tình huống bất trắc phải chờ xin ý kiến hoặc chờ sửa chính sách pháp luật.

Năm là, công tác quản trị chưa tốt, đặc biệt là trong khi cơ sở dữ liệu về thị trường lao động không hiện đại, số liệu thống kê từ cơ sở không đáp ứng được yêu cầu thích ứng khi thị trường lao động có những tác động xấu.

Cùng với đó, TS Bùi Sỹ Lợi nêu 3 giải pháp, kiến nghị: Thứ nhất, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng phải linh hoạt, thích ứng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về lao động.

Thứ hai, phải phát triển khoa học về quản trị nhân lực của đất nước để bảo đảm hiện đại hóa về quản lý nguồn nhân lực và bảo đảm được dữ liệu cơ bản. Việc này không chỉ cần thiết cho phát triển kinh tế mà khi cần thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội thì chúng ta vẫn có số liệu.

Thứ ba, phải chính thức hóa thị trường lao động phi chính thức, bảo đảm nguồn nhân lực quốc gia 52 triệu lao động được hưởng quyền lợi và các chính sách bảo hộ của nhà nước để trên cơ sở đó được hưởng chính sách an sinh xã hội của đất nước.

Nhanh chóng giải ngân tiền hỗ trợ cho người lao động

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội – TS Lâm Văn Đoan cho biết, kết quả thực hiện một số một số nội dung về an sinh xã hội, lao động, việc làm theo Nghị quyết 43/2022/QH 15, chính sách hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân đạt 86,91% so với số kinh phí đã tiếp nhận đề nghị, đạt 50,91% so với dự kiến của Chương trình đề xuất ban đầu.

Cụ thể, đã có 60/63 tỉnh có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ (3 tỉnh không có đối tượng là Lai Châu và Điện Biên, Cao Bằng). Đến ngày 10/9/2022, đã có 129 lượt doanh nghiệp với 5.373.312 lượt lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ là hơn 3.801,8 tỷ đồng, tương đương với 58,58% so với kinh phí dự kiến của Chương trình đề xuất ban đầu. Đã thẩm định, phê duyệt danh sach và số tiền hỗ trợ tương đương 97,61% so với số hồ sơ đã tiếp nhận đề nghị).

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết thêm, vấn đề an sinh xã hội đối với người lao động chúng ta đã ban hành rất nhiều chính sách như Nghị quyết số 42, Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và gần đây nhất là hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân được hơn 50%.

Ngoài ra, tiếp tục khảo sát, đánh giá tình hình lao động như thế nào để có những chính sách như Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ bao gồm cả hỗ trợ nhà ở cho người lao động. Sắp tới, Bộ tiếp tục quan tâm đề xuất chính sách mới để hỗ trợ người lao động, chất lượng người lao động, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động để giúp doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Về nguyên nhân thiếu nguồn nhân lực sau dịch Covid-19, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nêu quan điểm, hiện còn một lượng lớn lao động trở về khu vực nông thôn nhưng chưa kịp quay lại nơi làm việc; hoặc không muốn quay lại nơi làm việc vì đã tìm được việc làm phù hợp ở quê nhà. Cùng với đó, sau khi nghỉ việc, một bộ phận người lao động muốn chuyển sang ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn… Để giải quyết tình trạng thiếu hụt người lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang có chính sách đẩy mạnh đào tạo người lao động; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động tìm việc thông qua mạng internet.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho biết, Bộ LĐTB&XH đã và đang tập trung để có nhiều giải pháp để đẩy mạnh nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực, với các  giải pháp trọng tâm. Như: hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, cả doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề; Xây dựng các mô hình gắn kết với giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù; Đẩy mạnh dự báo nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là ngành nghề khoa học và kỹ thuật công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao…