Thiếu kiểm duyệt hay thiếu thực tế?

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi Bộ Y tế công bố dự thảo lấy ý kiến về Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe tuyển dụng và sức khỏe định kỳ của nhân viên đường sắt trực tiếp chạy tàu, nhiều điểm bất hợp lý đã được chỉ ra. Dù mới dừng ở lấy ý kiến lần một, nhưng dư luận vẫn “nóng” trước những quy định được đưa ra trong dự thảo như “ngực lép, răng vẩu” không được lái tàu.

 Ảnh minh họa
Rất mừng là ngay sau đó, quy định này đã thay đổi. Song câu chuyện này lại khiến nhiều người nhớ đến những văn bản với những quy định “lạ” vừa ra đời đã phải thu hồi. 
Năm 2017, câu chuyện Bộ GTVT buổi sáng ban hành Thông tư 45 quy định thẻ Đảng, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe không được làm thủ tục lên máy bay, buổi chiều ra quyết định thu hồi cũng từng xôn xao dư luận. Bộ khẳng định, đây là sai sót trong quá trình làm văn bản của đơn vị trình ký là Vụ Vận tải và Cục Hàng không. Đây không phải là trường hợp cá biệt, Bộ GD&ĐT cũng từng ra công văn, trong đó có nội dung yêu cầu “cập nhật thông tin mới”, đồng thời, “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”. Văn bản này cũng từng gây “chấn động” không chỉ đội ngũ giáo viên mà cả xã hội, bởi nó đầy mâu thuẫn và đã làm khó các nhà trường. Bộ GD&ĐT thừa nhận, “việc diễn đạt như trên đã gây hiểu lầm là Bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng sách giáo khoa để dạy học”...

Đó chỉ là những ví dụ về việc ban hành văn bản của cơ quan quản lý mà thiếu sự kiểm duyệt chặt chẽ về mặt nội dung, tính phù hợp với quy định và thực tế. Tại cuộc chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã dẫn ra tình trạng văn bản phải “tuýt còi” ngày càng nhiều, có hơn 200 văn bản sai phạm về thẩm quyền, hơn 700 văn bản thiếu căn cứ, sai về thể thức ban hành đã được phát hiện…
Thậm chí, có những văn bản ban hành chưa có hiệu lực đã phải dừng hoặc hủy bỏ. Thực tế, mỗi văn bản được ban hành sẽ có tác động nhất định tới cộng đồng, xã hội ở từng mức độ khác nhau. Có thể, các văn bản kịp thời điều chỉnh, kịp thời thu hồi này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của cơ quan ban hành.

Nhiều người đặt câu hỏi, có phải do quy trình xây dựng và ban hành pháp luật phần lớn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan soạn thảo và ban hành. Không chỉ vậy, các bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực khi được giao nhiệm vụ soạn thảo chính sách, phát luật đã lồng quyền lợi của bộ, ngành mình vào. Một nguyên nhân nữa làm cho quy định không phù hợp thực tiễn là do trong quá trình xây dựng chưa quan tâm đúng mức đến khâu điều tra xã hội về đối tượng bị điều chỉnh. Người xây dựng chính sách nhiều lúc chỉ nhìn trên lý thuyết, thiếu chất liệu cuộc sống, dẫn đến việc đưa ra các quy định không sát thực tế.

Có ý kiến cho rằng, văn bản pháp luật phải theo sát được yêu cầu cuộc sống, xác định tầm nhìn xa, đón trước những yêu cầu mới sẽ nảy sinh theo tình hình điều kiện phát triển. Vấn đề đặt ra là hết sức tránh việc ban hành văn bản kiểu gấp gáp, thậm chí có lúc phải chạy theo sự vụ, quy định đưa ra rồi lại thu hồi, khiến dư luận khó hiểu và tính nghiêm minh của quy định pháp luật cũng bị ảnh hưởng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần