Thiếu kiên quyết, chủ lò tái phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phá dỡ lò gạch thủ công tại huyện Đan Phượng.

Ngày 25/3, Báo Kinh tế & Đô thị online có bài phản ánh tại vùng bãi nổi sông Hồng xã Liên Hồng và Liên Hà, huyện Đan Phượng vẫn còn lò gạch thủ công đang "nhả" khói bất chấp yêu cầu của UBND TP phải hoàn tất việc xóa bỏ  lò gạch thủ công vào cuối năm 2012. Sau khi báo phát hành, ngày 26/3, Phòng TN&MT huyện đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xác định xã Liên Hồng còn 18 lò và Liên Hà còn 3 lò đang hoạt động.

 
Phá dỡ lò gạch thủ công tại huyện Đan Phượng.
Kinhtedothi - Phá dỡ lò gạch thủ công tại huyện Đan Phượng.
Qua tìm hiểu, cuối năm 2013, một số chủ lò gạch tại huyện Đan Phượng xin tự tháo dỡ lò gạch. Tuy nhiên, do chính quyền các cấp huyện Đan Phượng không đôn đốc, kiểm tra thường xuyên nên chỉ sau một thời gian chủ lò đã đốt gạch trở lại gây bức xúc trong dư luận. Ngày 19/11/2013, Sở Xây dựng cùng Sở TN&MT, Sở Công Thương, Sở QH-KT và UBND huyện Đan Phượng đã kiểm tra và yêu cầu các chủ lò gạch thủ công ở khu vực bãi nổi sông Hồng phải giải tỏa 21 vỏ lò xong trước ngày 15/12/2013. Sau đó, UBND huyện đã quyết liệt vào cuộc, thậm chí còn kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND xã và yêu cầu UBND các xã cùng chủ lò phải tháo dỡ công trình xong trong quý I/2014.

Ngày 28/3/2014, UBND xã Liên Hồng xây dựng Kế hoạch số 15/KH-UBND vận động chủ lò tháo dỡ vỏ lò gạch và nhà ở công nhân, thu dọn vật liệu xây dựng cùng tài sản khác trên đất vào cuối tháng 4/2014. Nếu các chủ lò không thực hiện, ngày 24/4 sẽ cưỡng chế toàn bộ công trình vi phạm. Tuy nhiên đến nay, tại khu vực này, một số lò gạch vẫn "đỏ lửa", nhiều đống gạch mộc đang chờ vào lò được xếp quanh khu vực. Điều này khiến dư luận nghi ngờ về việc tái diễn  kịch bản lò gạch thủ công tiếp tục vi phạm.

 Ông Nguyễn Minh Tuấn, cán bộ Phòng TN&MT huyện Đan Phượng cho biết, cuối năm 2012, UBND 2 xã đã thanh lý hợp đồng sản xuất vật liệu tại khu vực bãi nổi sông Hồng. Nhưng, do một số chủ lò có đơn xin đốt nốt số vật liệu dang dở nên các địa phương đã châm trước cho hoạt động đến giữa năm 2013 mới phải tháo dỡ hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên, do UBND các xã thiếu trách nhiệm nên các chủ lò chỉ tháo dỡ một phần công trình vi phạm, sau đó tái phạm. Đầu tháng 4 vừa qua, nhờ sự vận động tích cực của Phòng TN&MT huyện, các ban, ngành, đoàn thể của 2 xã, chủ lò cam kết giữa tháng 5 sẽ hoàn thành việc tháo dỡ 21 lò gạch thủ công và khu nhà ở của công nhân. Đặc biệt, việc tháo dỡ luôn có sự giám, kiểm tra của lực lượng chức năng huyện Đan Phượng.

 Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, cuối năm 2013, trên địa bàn huyện đã tháo dỡ được 140 lò gạch thủ công ở xã Hồng Hà và xã Liên Trung. Đồng thời, tại 2 xã này đã xây dựng được lò gạch thân thiện với môi trường. Riêng tại xã Liên Hồng và xã Liên Hà, do UBND các xã không quyết liệt giải quyết dứt điểm nên chỉ sau một thời gian chủ lò tái phạm.

Ông Hoàng khẳng định: "Để tránh kịch bản cũ lặp lại, UBND huyện giao cho Công an, Phòng TN&MT, Phòng Quản lý đô thị, Đội Thanh tra xây dựng và UBND 2 xã giám sát việc tháo dỡ công trình vi phạm. Khi hoàn thành việc tháo dỡ, UBND huyện mới hướng dẫn chủ lò hoàn thiện thủ tục chuyển đổi lò gạch thủ công sang lò gạch thân thiện với môi trường. Nếu cố tình tái phạm, UBND huyện sẽ tổ chức cưỡng chế trong tháng 5, đồng thời đề xuất với UBND TP loại bỏ các chủ lò gạch này ra khỏi danh sách được chuyển đổi từ lò gạch thủ công sang lò gạch thân thiện với môi trường".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần