Hiện chúng ta đã tham gia vào sân chơi của thế giới, bên cạnh 12 Hiệp định đã ký kết, Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại khác. Ký nhiều Hiệp định thương mại nhưng phải đẩy mạnh cải cách trong nước, chuyển sang áp dụng khoa học công nghệ giá trị gia tăng và vượt qua ngưỡng kinh tế phi thị trường.Kể từ khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 đến nay, Việt Nam đã liên tục vận động các quốc gia thành viên công nhận mình là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Hiện đã có 69 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Nhưng hai đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam là Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ vẫn chưa xem Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.Theo thỏa thuận gia nhập Tổ chức WTO của Việt Nam, thì đến năm 2018, tổ chức này sẽ xem xét Việt Nam có phải là quốc gia hội đủ những điều kiện của một nền kinh tế thị trường hay không. Đối với Việt Nam, việc đạt được quy chế này từ WTO luôn là chính sách ưu tiên hàng đầu. Việc được công nhận là nền kinh tế thị trường từ tất cả các thành viên của WTO, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU sẽ là rất quan trọng với Việt Nam. Việc đạt được quy chế này sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, vì những nước chưa có quy chế thị trường theo quy định của WTO thường dễ bị áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm xuất khẩu. Nhất là trong bối cảnh thế giới biến động, chiến tranh thương mại leo thang và chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy. Với chính sách bảo hộ hiện nay, ít có khả năng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ chấm dứt sự phân biệt, hoặc dừng các biện pháp áp đặt thuế chống bán phá giá…Các chuyên gia lo ngại về thời điểm WTO xem xét tính thị trường của nền kinh tế Việt Nam đã gần kề, mà những trở ngại từ hai đối tác lớn nhất là Mỹ và EU vẫn chưa vượt qua được. Để được công nhận là nền kinh tế thị trường, Hoa Kỳ yêu cầu nền kinh tế đó là một nền kinh tế hoàn toàn cạnh tranh, bình đẳng, không có ưu đãi, không coi trọng bất kỳ thành phần kinh tế nào.Cho đến nay Chính phủ rất quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, song tổng kết từ Bộ KH&ĐT đều chỉ ra vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, bỏ quy định này lại thêm quy định khác… mức độ minh bạch, ổn định chưa cao. Cũng vì sự chưa rõ ràng về chính sách, hệ thống pháp lý lỏng lẻo sẽ dẫn đến nhóm lợi ích, thân hữu tạo ra môi trường kém cạnh tranh, lành mạnh… Do đó, thay vì phải đi vận động đối tác công nhận mình là kinh tế thị trường, thì Việt Nam cần thực sự nỗ lực cải cách theo hướng dân doanh, tự do hóa, hoàn thiện thể chế, đảm bảo công bằng, bình đẳng... tiến tới xác lập các loại hàng hóa theo cơ chế thị trường.